Vải thiều giá rẻ tràn xuống đường phố Hà Nội

Đặc sản vải thiều Bắc Giang, Hưng Yên chỉ có giá 7.000-12.000 đồng/kg khi đến tay người mua Hà Nội. Nhiều người chuyển sang bán loại quả này vì là hàng Việt Nam và vốn bỏ ra ít.

Trên phố phường và tại các chợ ở Hà Nội, xuất hiện ngày càng nhiều các xe bán vải rong như thế này. Mức giá cho một kg dao động 7.000-12.000 đồng.

Theo lời người bán, giá 12.000 đồng/kg áp dụng với hàng loại một còn tươi ngon. Về chiều, giá sẽ rẻ hơn, chỉ khoảng 7.000-10.000 đồng/kg. Mức giá này vẫn còn cao so với tại chợ đầu mối hoặc các địa phương trồng nhiều vải như Lục Ngạn (Bắc Giang) hay Thanh Hà (Hải Dương). Năm nay, vải được mùa, nhưng điệp khúc mất giá lại tái diễn. Người trồng và người bán đều không vui. 

Trong khi đó, ở phía Nam, vải vẫn là loại quả có mức giá cao, phổ biến 20.000 đồng/kg, có thời điểm 30.000-35.000 đồng. 

Anh Thắng quê ở Hưng Yên bán vải Thanh Hà 10.000 đồng/kg. Hàng ngày, anh Thắng lấy vải tại chợ đầu mối Hưng Yên, rong ruổi bán ở phố Hồ Đắc Di (quận Đống Đa, Hà Nội) và các tuyến phố lân cận. Những hôm mát trời, anh bán được khoảng 1 tạ, còn nắng nóng chỉ khoảng 30-40kg. "Có những hôm lãi không đủ tiền xăng xe, ăn uống. Nhưng vốn ít và mùa này chỉ rộ các loại hoa quả giá rẻ như vải, xoài, mận... nên vẫn phải đi bán, được đồng nào hay đồng đó", anh nói.

Gần đây, xuất hiện thông tin hoa quả Trung Quốc có chất độc hại, nên người tiêu dùng cũng quay sang mua hàng Việt Nam. Trong khi các loại hoa quả miền Nam chuyển ra Hà Nội có giá tương đối cao thì vải là loại quả dễ ăn, giá lại rẻ. Đây là lý do người tiêu dùng khá chuộng mua loại quả đặc sản Bắc Giang, Hải Dương này.

Chị Hiền ở Hà Đông bán vải tại phố Đông Tác (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, giá bán mỗi kg là 12.000-13.000 đồng. Hàng sáng, chị nhập vải từ chợ đầu mối Hà Đông, rong ruổi bán trên các phố. Ngày nhiều chị bán hết 70-80kg, ít chỉ khoảng 40kg.

Tại phố Lương Định Của, hàng vải của chị Minh (Phú Xuyên, Hà Nội) giữa trưa nắng vẫn có khách mua. Chị Minh cho biết, khách đến mua vải chị luôn khuyến khích ăn thử để biết đó là vải Bắc Giang chính gốc. Mức giá cho mỗi kg vải chị Minh bán dao động 10.000-12.000 đồng.

Theo lời chị Minh, đây là thời điểm vải rẻ và ngon nhất. "Đến cuối tháng 6, chỉ còn vải chín muộn hoặc bị hãm chín, giá sẽ đắt hơn, mà cũng không ngon bằng", chị nói. 

Năm nay, dân trồng vải Bắc Giang, Hưng Yên phấn khởi vì được mùa. Chất lượng quả khá ngon, cùi dày, ngọt và nhiều nước, ít bị sâu đầu. Tuy nhiên nguồn cung vẫn nhiều hơn so với nhu cầu do giao thương với Trung Quốc gặp khó khănxuất khẩu cũng giảm hơn trước.

Chị Xuân, Quê ở Văn Giang, Hưng Yên có chồng bị tai biến liệt nửa người 3 năm nay. Trong gia đình, chị là lao động chính, nuôi chồng và 2 con đang học đại học. Hàng ngày, 3h sáng, chị Xuân ra chợ Long Biên lấy hàng rồi đi bán dạo quanh Hà Nội. Chị cho biết, giá vải nhập vào khoảng 7.000 đồng/kg, giá bán ra 10.000-12.000 đồng/kg. "Mấy hôm nay vải đắt hơn, nhập vào 8.000 đồng/kg, bán ra vẫn chỉ 12.000-13.000 đồng/kg nhưng khá hao. Mình chở bằng xe đạp thồ nên không chở được nhiều, Hôm nào đắt hàng thì bán được khoảng 80kg, còn hôm ế hàng thì chỉ được 30-40kg. Lời lãi không được bao nhiêu, chưa kể đến việc bị bắt 5 lần vì quy định cấm bán hàng rong trên phố, toàn mất trắng", chị nói.

Chị Năm, nhà ở ngoại thành Hà Nội có xe tải nhỏ nên về tận vườn ở Bắc Giang để lấy vải. Giá chị nhập tại vườn là 6.000-7.000 đồng/kg, bán ra 12.000 đồng/kg. Trung bình một ngày, chị bán được 2-3 tạ. Khách đông, lãi cao hơn so với người bán hàng rong, nhưng theo chị Năm, chi phí xe cộ, mãi lộ, chỗ đậu ô tô không có, nên tính ra cũng không được bao nhiêu. 

Chị Năm cho biết, nhiều người hỏi sao không chở vải vào miền Nam bán vì trong đó giá luôn phổ biến 30.000 đồng/kg. "Tôi tính cả rồi. Vải là loại quả nhiều nước, dễ dập., để từ sáng đến chiều đã thấy khác nhau nhiều rồi. Bán cũng chỉ trong 1 ngày, để đến hôm sau là mặt vỏ se và thâm hết, thậm chí nứt. Nếu chở đi xa, cần bảo quản tốt lắm mới giữ được độ tươi ngon khi tới tay người mua. Chở vào miền Nam bán, tính cả chi phí xăng xe, ăn uống, rồi hao hụt do hàng hỏng, lãi cũng không được nhiều, trừ phi đánh cả container, đổ buôn cho các hàng hoa quả", chị Năm nói. 

Vẫn như các năm trước, điệp khúc được mùa, mất giá tái diễn với vải thiều đặc sản. Câu hỏi làm sao để vải thiều đến được với người tiêu dùng trong tất cả các tỉnh thành cả nước với giá hợp lý vẫn đang được các ban ngành chức năng đi tìm câu trả lời. Tại cuộc họp bàn về vấn đề này, ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết, các tỉnh thành cần tạo điều kiện cho lưu thông quả vải tốt hơn. Giải pháp được ông Hạnh nêu ra là ưu đãi phí mãi lộ, hỗ trợ công nghệ đông lạnh. Ngoài ra, việc hình thành các đầu mối tiêu thụ vải thiều có hệ thống cũng được cho là giải pháp quan trọng để người trồng vải có thể cười khi loại quả đặc sản này được mùa.

Theo Vũ Nguyễn

Theo Zing