Ứng viên chủ tịch VFF công khai đề án tranh cử

TP - Ngoài vị trí Chủ tịch, ứng viên các vị trí Phó chủ tịch nhiệm kỳ VII cũng phải có đề án tranh cử ở Đại hội. BCH VFF đã quyết định nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Đại hội VFF khóa 7 ngày 5/6 tới. ảnh: VSI.

> Chủ tịch VFF 'quyền rơm, vạ đá'
> Đại hội VFF sẽ tước quyền biểu quyết 15 thành viên

Tại cuộc họp BCH, một số ý kiến cho rằng vấn đề này còn mới, nên để lùi lại nhiệm kỳ VIII. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong BCH VFF thống nhất ứng viên các vị trí lãnh đạo chủ chốt cần phải có đề án, công bố trước hoặc trong Đại hội để dư luận, các tổ chức thành viên đánh giá.

BCH VFF đã thông qua đưa nội dung trên vào dự thảo Nghị quyết. Đây là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của dư luận thời gian qua.

Tự nguyện làm phó nếu đề án của “đối thủ” tốt

Vị trí Chủ tịch VFF hiện có hai ứng viên là Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải và Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ ông Lê Hùng Dũng nêu quan điểm cá nhân, trong khi Thứ trưởng Lê Khánh Hải vẫn tỏ ra khá “kín tiếng”.

Trả lời câu hỏi của báo chí chiều qua về vị trí Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII, Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng một lần nữa cho biết: “Bản thân tôi cảm thấy rất thanh thản. Tháng 9/2012, anh Hỷ (Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ-pv), từng đề nghị tôi thay thế đảm nhiệm vị trí Chủ tịch VFF. Tuy nhiên tôi không đồng ý, với mong muốn để anh Hỷ làm trọn vẹn nhiệm kỳ sau đó tìm một người khác đảm đương.

Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.

“Thời điểm đó tôi không hề tính đến chuyện làm Chủ tịch VFF. Tôi khẳng định không đặt nặng vấn đề làm Chủ tịch VFF bằng mọi giá, mà mong muốn vẫn là tìm được một người có thể đưa bóng đá VN phát triển một cách tốt nhất.

 Chủ tịch VFF phải là người có tầm nhìn toàn diện trong dài hạn, đưa bóng đá VN phát triển bền vững, có khả năng triển khai các công việc một cách bài bản. Chủ tịch VFF không chỉ cần biết kiếm tiền, dù tiền rất quan trọng cho sự phát triển của bóng đá. Làm chủ tịch VFF là “quyền rơm, vạ đá”. Nếu anh Hải đưa ra đề án thuyết phục được Đại hội, tôi sẵn sàng rút lui, tự nguyện làm phó cho anh Hải.

Phó chủ tịch VFF
Lê Hùng Dũng

“Nếu tới đây anh Lê Khánh Hải công bố một bản đề án thật tốt, thuyết phục được cả tôi và công luận, tôi sẵn sàng rút lui ngay tại Đại hội, tự nguyện làm phó cho anh Hải. Trường hợp ngược lại, tôi sẽ công bố đề án của mình và quyết định sẽ do Đại hội”.

Cũng theo ông Dũng, “làm Chủ tịch VFF chẳng qua là ‘quyền rơm vạ đá’, trách nhiệm nặng nề nhưng lương bổng lại thấp. Áp lực thì kinh khủng. Đội tuyển thắng, HLV trưởng được khen. Thua, VFF mà đầu tiên là Chủ tịch bị chỉ trích trước tiên. Từ báo chí đến dư luận và người hâm mộ đều có quyền chỉ trích, không khác gì khủng bố tinh thần. Vinh quang cũng có nhưng rất cực nhọc tinh thần”.

Tại cuộc họp BCH, cả ông Dũng và Thứ trưởng Lê Khánh Hải đều nhận được số phiếu bằng nhau, 18/19 phiếu tán thành vào vị trí Chủ tịch VFF.

TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh và Vụ trưởng (Tổng cục TDTT) Trần Quốc Tuấn được 19/19 phiếu tiến cử vào chức TTK VFF nhiệm kỳ VII.

Theo Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, tới thời điểm hôm qua, ứng viên các vị trí lãnh đạo chủ chốt gần như không có sự thay đổi. Cụ thể, vị trí Phó chủ tịch chuyên môn có 2 ứng viên gồm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn và TTK LĐBĐ Hà Nội Phan Anh Tú.

Ứng viên Phó chủ tịch phụ trách tài chính-tài trợ gồm 2 người: Chủ tịch HA.GL Đoàn Nguyên Đức và TGĐ Tập đoàn thể thao Động Lực Lê Văn Thành. Vị trí Phó chủ tịch truyền thông cũng có hai ứng viên.

BCH VFF cũng thông qua giới thiệu ra Đại hội 23/41 ứng viên ủy viên BCH.

“Trượt” Chủ tịch vẫn được tranh Phó Chủ tịch

Về phương thức bầu cử, Đại hội VII vẫn bầu theo phương thức truyền thống là Đại hội bầu ra BCH sau đó BCH bầu ra các vị trí Chủ tịch, Phó chủ tịch. Ứng viên không trúng cử chức Chủ tịch có quyền ứng cử vào một trong ba vị trí Phó chủ tịch.

Theo ông Hỷ, về vị trí Chủ tịch VFF, nội bộ BCH VFF hiện cũng đang tồn tại hai luồng quan điểm. “Một số thiên về chọn người của Nhà nước để đảm bảo định hướng quản lý, nhưng ý kiến khác cũng muốn huy động được các nguồn lực trong xã hội ở thời điểm hiện tại”-ông Hỷ cho biết.

Đại hội VFF sẽ có 116 đại biểu tham dự. Trong đó 63 đại biểu có quyền bỏ phiếu. Mỗi tổ chức thành viên được cử tối đa 2 đại biểu dự Đại hội nhưng chỉ một đại biểu có quyền bỏ phiếu.

Theo Báo giấy