Trước tiên, hãy hiểu rằng thái độ "đối nghịch" của người phỏng vấn không phải tại bạn. Có thể anh/cô ấy đã bắt đầu một ngày làm việc không suôn sẻ khi cãi nhau với vợ/chồng, bị ốm hay vừa tranh luận với sếp/khách hàng.
Kết quả là anh/cô ấy “xả” hết cơn giận vào bạn. Cũng có thể anh/cô ấy chưa có kỹ năng phỏng vấn tốt hoặc anh/cô ấy là người xấu tính...
Dù là lý do gì, bạn vẫn có thể kiểm soát được cuộc phỏng vấn với ba “mẹo” sau:
Giải tỏa ngay sự hiểu lầm
Sau khi đã đưa ra câu trả lời chắc chắn, bạn bắt gặp một cái nhướn mày cùng cái nhìn khó hiểu của nhà tuyển dụng. Liệu có vấn đề gì với câu trả lời của bạn?
Đừng hoảng hốt hay lo sợ. Thay vào đó, hãy hỏi lại người phỏng vấn ngay “Tôi có thể giải thích rõ hơn câu trả lời của mình không?”. Như thế người phỏng vấn có thể giải thích hành động của mình, đồng thời cho bạn cơ hội để làm rõ hơn câu trả lời.
Hãy nhanh chóng giải tỏa bất cứ sự mơ hồ, lẫn lộn nào xảy ra, nếu không người phỏng vấn sẽ ngày càng hiểu sai và bạn không thể chữa lại được.
Giành lại ưu thế từ những phản ứng tiêu cực
Giả sử người phỏng vấn hỏi bạn cách giải quyết một vấn đề cụ thể trong công việc. Sau khi bạn trả lời, người phỏng vấn nói: “Tôi không đồng ý với cách giải quyết của anh/chị. Ở đây chúng tôi không làm như vậy”.
Lúc này, hãy giải thích rằng bạn biết văn hóa của mỗi công ty khác nhau, nói những gì bạn biết về công ty và nhắc lại câu trả lời của bạn theo một cách khác. Từ đó, bạn có thể xóa tan sự đối lập với người phỏng vấn, đồng thời thể hiện sự linh hoạt và phản ứng nhanh của mình.
Đặt câu hỏi cho người phỏng vấn
Nếu người phỏng vấn có khuynh hướng bắt bạn phải trả lời không ngừng, hãy đưa ra câu trả lời của mình, sau đó đặt câu hỏi lại cho họ. Ví dụ, hãy hỏi cách công ty xây dựng một sản phẩm mới hay vị thế của công ty ra sao trong 5 năm tới. “Mẹo” nhỏ này không chỉ khiến người phỏng vấn mở lời mà còn tạo nên một cuộc phỏng vấn cho và nhận.
Hãy nhớ cuộc phỏng vấn không chỉ là một chiều, mà là một cuộc nói chuyện về những gì bạn và nhà tuyển dụng có thể trao đổi với nhau.
Điều cuối cùng, cho dù cuộc phỏng vấn có căng thẳng ra sao, bạn cũng không được dùng thái độ thù địch để chống lại sự thiếu thân thiện của người phỏng vấn, bởi theo cách đó bạn sẽ luôn là người thua cuộc.
Theo Vũ Huyền
Tuổi Trẻ/Monster