Ngày 1/7, báo giới đăng tải thông tin về những đám khói lớn bốc lên từ khu vực gần cầu Kerch nối Crimea với đất liền Nga. Nhưng cơ quan chức năng Crimea sau đó cho biết không có lý do gì để hoảng sợ, đồng thời giải thích rằng cảnh sát Nga đang tổ chức các cuộc diễn tập gần cây cầu dài 19km.
Khi được hỏi về các cuộc diễn tập này, trợ lý tổng thống Ukraine Alexey Arestovich nói rằng "cơ quan chức năng đã đúng khi chuẩn bị" vì "nếu có nhu cầu, chúng tôi sẽ tấn công cầu Kerch vào đúng thời điểm".
Tuy nhiên, ông Arestovich thừa nhận rằng các vũ khí mà quân đội Ukraine đang sở hữu "về mặt kỹ thuật không có khả năng tiếp cận cây cầu chiến lược".
"Nhưng sẽ đến lúc chúng tôi làm được điều đó. Trong cuộc xung đột này, từ lâu đã không có bất kỳ ràng buộc nào, mà chỉ phụ thuộc vào khả năng kỹ thuật", ông Arestovich nhấn mạnh.
Cầu Kerch được xây dựng từ năm 2016 đến năm 2018, trở thành biểu tượng cho sự thống nhất của bán đảo Crimea với Nga. Trong cuộc xung đột với Kiev, Mátxcơva đã sử dụng cây cầu này để vận chuyển xe bọc thép và các khí tài quân sự khác.
Một số quan chức Ukraine và chỉ huy quân sự đã đưa ra cảnh báo trong 4 tháng qua rằng cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ đô la có thể trở thành mục tiêu cho các lực lượng của Kiev.
Trợ lý Arestovich - người từng đưa ra cảnh báo tương tự hồi tháng trước thừa nhận rằng việc gây ra thiệt hại đáng kể cho cây cầu là một nhiệm vụ khó khăn, ngay cả khi có vũ khí đủ tầm, vì một trong số 595 trụ cầu sẽ cần phải bị phá hủy. Ông tuyên bố: “Cây cầu được xây dựng theo cách mà người ta cần sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để đánh sập nó."
Ukraine đã cam kết sẽ không sử dụng vũ khí phương Tây, đặc biệt là vũ khí Mỹ để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, cả Mỹ và Ukraine đều từ chối công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, dù bán đảo này đã sáp nhập Nga từ năm 2014.
Hồi tháng 4, bà Olga Kovitidi – Thượng nghị sĩ Nga từ Crimea gọi cầu nối giữa đất liền Nga với bán đảo Crimea là “cây cầu được bảo vệ tốt nhất thế giới, với nhiều lớp phòng thủ”.
Theo bà Kovitidi, Nga biết từ đầu rằng cây cầu dài 18km có thể bị quân đội Ukraine nhắm mục tiêu, nên đã thực hiện một số biện pháp cần thiết để tăng cường phòng thủ.
Cụ thể, cầu được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công từ trên không bằng 2 tổ hợp S-400, có thể bắn hạ tên lửa đang bay tới từ khoảng cách 400km.
Đối với các cuộc tấn công tầm ngắn, quân đội Nga sử dụng các hệ thống bổ sung, chẳng hạn như Pantsir-S1.
“Do đó, cây cầu không thể bị tấn công âm thầm bằng đường không”, bà Kovitidi nói.
Về đường thủy, cầu được bảo vệ bởi lực lượng Hải quân Nga. Ngoài ra, trên cầu còn gắn hệ thống sonar tinh vi giúp phát hiện các mối đe dọa dưới nước, ví dụ như tàu ngầm.
Thượng nghị sĩ Kovitidi cho biết thêm rằng các bộ phận chính của cầu được kiểm tra hằng ngày. “Vì vậy, chúng tôi khuyên các bạn không nên nghĩ đến ý định tấn công công trình này”.
Cầu Crimea dài 19 km là cây cầu dài nhất châu Âu, vượt cả cầu Vasco da Gama của Lisbon.
Cây cầu được khánh thành năm 2018, 4 năm sau khi bán đảo Crimea sáp nhập Nga.
Với tổng chi phí xây dựng tới 228 tỉ ruble (tương đương 3,7 tỉ USD), công trình xây dựng mới này kết nối khu vực miền Nam Krasnodar với thành phố Kerch của Crimea, bắc qua eo biển giữa Biển Đen và Biển Azov.
Cầu gồm 2 phần - phần dành cho xe cơ giới và tàu hỏa.