U23 Việt Nam 'chưa đủ tốt', vấn đề nằm ở đâu?

TP - Kết thúc trận đấu cuối ở Vòng loại U23 châu Á 2024, HLV Philippe Troussier thừa nhận các học trò của ông “chưa đủ tốt”. Và không khó để nhận thấy vấn đề nằm ở đâu.

Trận hòa 2-2 với U23 Singapore đồng nghĩa với việc lần đầu kể từ tháng 7/2017 (sau trận thua U23 Hàn Quốc 1-2 ở vòng loại U23 châu Á 2018), U23 Việt Nam mới mất điểm và bị thủng lưới trong một trận đấu thuộc Vòng loại U23 châu Á.

Vào VCK U23 châu Á 2024, song U23 Việt Nam vẫn có nhiều nỗi lo. Ảnh: Minh Anh

Mạch 7 trận toàn thắng và giữ sạch lưới vắt qua 3 kỳ vòng loại thực sự ấn tượng, cho thấy Việt Nam không chỉ tạo dựng thói quen tham dự VCK U23 châu Á mà còn giành vé theo cách ấn tượng nhất. Trong bóng đá không có gì kéo dài mãi. Khi nó kết thúc, nhắc nhở tất cả rằng chúng ta đang ở một giai đoạn mới, với HLV mới và theo đuổi triết lý mới.

Triết lý ấy được nhắc đi nhắc lại bởi ông Philippe Troussier, sẽ đưa bóng đá Việt tiến xa, cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ mạnh ở tầm châu lục, thậm chí thế giới. Lẽ dĩ nhiên, mạo hiểm hơn cũng đồng nghĩa với nhiều rủi ro hơn. Như ở phút 84 trận đấu với U23 Singapore, trong thế dẫn trước 2-1, thay vì chơi thực dụng để bảo vệ thành quả, U23 Việt Nam vẫn đẩy cao đội hình, miệt mài phối hợp để tìm kiếm bàn thắng tiếp theo.

Đặt giả thiết nếu đường chọc khe của Hồng Phúc tới chân Lê Văn Đô, đó chắc chắn là một tình huống nguy hiểm có thể dẫn tới bàn thắng. Và HLV Troussier sẽ rất tự hào bởi cách dàn xếp tấn công của các học trò, khi Minh Khoa lùi lại nhận bóng, kéo theo hậu vệ đối phương và tạo khoảng trống để Văn Đô di chuyển vào. Thật không may, đường chuyền của Hồng Phúc hơi non. U23 Singapore có bóng và phản công rất nhanh, trong bối cảnh U23 Việt Nam chỉ còn 1 cầu thủ ở phần sân nhà.

Dựa vào thành tích của giải U23 châu Á 2022, U23 Việt Nam (từng vào tứ kết) được xếp nhóm hạt giống số 2 trước lễ bốc thăm chia bảng VCK U23 châu Á 2024. Việc Thái Lan thuộc nhóm 3, Malaysia và Indonesia nhóm 4, hoàn toàn có khả năng Việt Nam chung bảng với 2 đội Đông Nam Á.

HLV Troussier hiểu rõ hơn ai hết vấn đề của U23 Việt Nam. Bước đầu họ đã hiểu ông muốn gì và từng bước cải thiện kỹ năng kiểm soát bóng cũng như di chuyển, kéo người, kiến tạo không gian. Thế nhưng thứ tất cả thiếu là sự chính xác ở những pha xử lý cuối cùng. Đây là điều rất khó để học, bởi phụ thuộc vào tâm lý thi đấu cũng như tư duy, kỹ năng từng cầu thủ. Theo cách nói của huyền thoại Johan Cruyff, “kỹ thuật không phải là việc tung hứng quả bóng 1.000 lần, mà là chuyền bóng với một cú chạm, với tốc độ hợp lý, vào đúng chân thuận của đồng đội”.

Việc không tìm được những phương án chuẩn xác ở thời khắc quyết định dẫn đến việc U23 Việt Nam bế tắc trong việc ghi bàn. 4 bàn gần nhất của họ đều xuất phát từ tình huống cố định, điều đi ngược với tiêu chí của HLV Troussier, rằng triết lý của ông phải được cụ thể hóa bằng những bàn thắng từ tình huống mở. Bên cạnh đó, U23 Việt Nam có vấn đề trong quản lý rủi ro. Họ cần hình thành tư duy phòng ngự trong lúc tấn công, giảm thiểu nguy cơ mất bóng và lùi về có hệ thống để chống phản công. Sau khi may mắn không phải nhận bàn thua ở hai trận đầu tiên, một số nghĩ rằng U23 phòng ngự chắc chắn, nhưng không phải. Đó vẫn là hàng thủ mong manh từng nhận 7 bàn thua sau 6 trận SEA Games 32.

Để làm tốt mọi thứ đòi hỏi quá trình dài cải thiện chất lượng cầu thủ, từ đầu óc đến kỹ năng. Và trận đấu với U23 Singapore té ra lại vô cùng hữu ích. Ngoài các bài học, kết quả hòa nhấn mạnh chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, và hoàn toàn có thể bị trừng phạt nếu vẫn tiếp tục “chưa đủ tốt”.