Tình trạng chở hàng cồng kềnh, quá tải như thế này không phải là hiếm Ảnh: Văn Toàn
Tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông của người tham gia giao thông là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu, cơ bản, lâu dài để kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông.
Theo các chuyên gia và nhiều nhà lãnh đạo trong ngành giao thông vận tải, Cục CSGT đường bộ - đường sắt và Ủy ban ATGT Quốc gia, một trong những giải pháp quan trọng được đánh giá đã mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT, phát động phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT”.
Tham gia cuộc thi “Phòng chống tai nạn giao thông - thái độ của bạn?”, tôi xin đóng góp ý tưởng tuyên truyền an toàn giao thông qua mạng điện thoại di động (ĐTDĐ), góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông, phòng ngừa TNGT .
Bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: Báo Tiền phong-15 Hồ Xuân Hương-Hà Nội, hoặc Email:
hotline@baotienphong.com.vn; atgiaothong@gmail.com .
Nội dung cuộc thi được đăng tải trên www.tienphongonline.com.vn
Theo đó, tôi đề nghị Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia có kế hoạch chỉ đạo các bộ ngành liên quan lập một số máy trung tâm thực hiện ba nhiệm vụ chính: nhắn đồng loạt các tin SMS tới các máy di động trên toàn quốc; trả lời, tư vấn tự động các quy định về giao thông (như mức độ xử phạt, hồ sơ, thủ tục để đăng ký xe máy…) cho người dân qua hệ thống tin nhắn; tiếp nhận các tin nhắn phản ánh của người dân.
Hiện nay, số người sử dụng mobile ở nước ta đã vượt con số 10 triệu người. Thông thường, đây là những người ở độ tuổi từ 15-55, bộ phận chiếm đại đa số người tham gia giao thông.
Nếu như có một tin nhắn tuyên truyền về giao thông được gửi qua mạng di động đến tất cả các số máy ĐTDĐ thì chắc chắn là phần lớn xã hội đã được cung cấp thông tin về giao thông.
Hơn nữa, lại là tin nhắn trên di động nên theo tâm lý thì tất cả đều sẽ đọc tin này. Với những mẩu tin nhắn trên máy di động, người sử dụng có thể biết được: Những quy định về pháp luật giao thông; đặc biệt là những quy định mới; mức độ xử phạt hành chính đối với từng hành vi; cảnh báo về TNGT; số điện thoại đường dây nóng; kinh nghiệm lái xe an toàn;… Nội dung cụ thể những tin nhắn này sẽ do các chuyên gia thuộc Cục CSGT (Bộ Công an), Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban ATGT Quốc gia xây dựng.
Tuyên truyền qua mạng ĐTDĐ quả là một việc cần thiết, hiệu quả. Một thực tế nữa cho thấy sự cần thiết của hình thức này là không phải ai cũng có thời gian, điều kiện để đọc báo, nghe đài, xem tivi, lên mạng. Bởi vậy, việc nhắn tin qua ĐTDĐ sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác tuyên truyền được hiệu quả, thường xuyên, rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, ý tưởng này đưa ra có thể sẽ vấp phải những ý kiến phản đối rằng nó sẽ xâm phạm quyền thông tin của người dùng ĐTDĐ khi phải nhận những tin không theo yêu cầu.
Đối với mỗi người dùng ĐTDĐ đều dễ thấy được là có lúc bạn nhận được những tin thông báo từ trung tâm của các mạng di động về thông báo mở thêm dịch vụ mới, thông báo cước hàng tháng,… chưa nói là những thông tin quảng cáo khác.
Vậy thì, tin nhắn về nội dung ATGT tại sao lại không được? Chẳng lẽ nhận tin nhắn về ATGT sẽ giúp bạn hiểu hơn về những vấn đề và quy định pháp luật, chủ trương của Nhà nước về ATGT, giúp bạn tham gia giao thông được an toàn cho chính bản thân và cho mọi người lại là xâm phạm quyền tự do thông tin?
Kinh phí ở đâu để duy trì, tổ chức thực hiện? Tôi nghĩ rằng, nếu đầu tư kinh phí mà có thể làm giảm những tổn thất về người và tài sản trong quá trình tham gia giao thông là một đầu tư có lợi, hiệu quả và cần thiết. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ có kế hoạch triển khai thống nhất; các Cty viễn thông sẽ chung tay cùng cộng đồng.
Hơn nữa, rất có thể còn nhiều doanh nghiệp sẽ tài trợ cho hình thức tuyên truyền này. Cty Honda, Yamaha,… tài trợ và tổ chức nhiều chương trình truyền thông trong thời gian qua là một ví dụ.
Tóm lại, nhắn tin ATGT qua mạng ĐTDĐ là một ý tưởng có tính khả thi cao, hiệu quả và có sức lan tỏa lớn đến toàn xã hội trong việc tuyên truyền, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến ATGT.