“Nóng” những ngành mới nổi
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công thương cho biết sau thời gian mở cổng cho thí sinh đăng kí phương thức xét học bạ, có thể thấy ngành Marketing, Tài chính ngân hàng, Kinh doanh quốc tế... đã vươn lên đứng top đầu với khoảng gần 500 hồ sơ. Các ngành như Công nghệ thực phẩm và Công nghệ thông tin đứng sau với khoảng gần 400 hồ sơ. Các ngành top đầu của năm ngoái như Quản trị kinh doanh và Kế toán năm nay tụt xuống top 3, khoảng gần 380 hồ sơ.
Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải vừa công bố điểm chuẩn xét tuyển đợt 1 phương thức xét tuyển học bạ kết hợp. Theo đó, nhóm ngành kĩ thuật, công nghệ, kinh tế thuộc top có điểm chuẩn cao nhất trong các nhóm ngành đào tạo của trường, từ 24 - 26 điểm/tổ hợp. Ông Ngô Quốc Trinh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết qua đợt 1, nhận thấy xu hướng thí sinh chọn khối ngành kỹ thuật đã tăng lên so với năm trước Khối ngành công nghệ kỹ thuật giao thông và công nghệ kỹ thuật công trinh xây dựng thí sinh đăng ký tăng trên 10% so với năm ngoái.
PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết hôm nay hết hạn nhận hồ sơ phương thức xét tuyển tài năng. So với năm 2023, năm nay, có nhiều thí sinh quan tâm đến ngành vi mạch bán dẫn theo xu hướng chung của xã hội. Theo ông Hải, tuần sau Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp bắt đầu lọc, tra soát hồ sơ của thí sinh để phục vụ cho các bước tiếp theo của quy trình xét tuyển tài năng đã được ĐH Bách khoa Hà Nội công bố.
TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết thời điểm hiện tại khối ngành Kinh doanh và Quản lý không “nóng” như Trí tuệ nhân tạo, Thiết kế vi mạch, nhưng là khối ngành phổ biến và nhu cầu tuyển dụng cao nên thí sinh vẫn tập trung nộp hồ sơ nhiều nhất.
PGS.TS Hoàng Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long cho hay trong 5 năm trở lại đây, số thí sinh quan tâm và đăng ký xét tuyển vào các ngành ngoại ngữ, du lịch, sư phạm của trường luôn ở mức cao với sự cạnh tranh lớn. Xu hướng lựa chọn ngành học của thí sinh thời gian qua có sự tương đồng cao với xu hướng chung của thí sinh cả nước và theo nhu cầu của thị trường lao động tại địa phương. Quảng Ninh có vị trí đắc địa để phát triển du lịch, dịch vụ và cảng biển khu vực miền Bắc, là lí do thí sinh ưu tiên lựa chọn những ngành học như Du lịch, Ngoại ngữ, Quản trị lữ hành…
Nhiều trường có điểm chuẩn “dưới sàn”
Mới đây, nhiều trường đại học khu vực phía Nam đã công bố điểm trúng tuyển sớm bằng phương thức học bạ. Trong đó, có những ngành lấy điểm chuẩn dưới “điểm sàn”, nhất là với các trường ở địa phương.
Cụ thể, tại Trường đại học Kinh tế - kỹ thuật Bình Dương, điểm chuẩn xét tuyển học bạ THPT năm 2024 ở đợt xét vừa qua, trường lấy từ 15 - 22 điểm tùy ngành, ngoại trừ khối ngành sức khỏe. Đối với phương thức xét học bạ, trường có ba hình thức là xét điểm trung bình tổ hợp môn cả năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12; xét điểm trung bình học kỳ 1 lớp 12 tổ hợp môn; xét điểm trung bình các môn năm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển. Như vậy, với ngành lấy điểm chuẩn 15 điểm, thí sinh chỉ cần có điểm học bạ THPT từ 5 điểm đã trúng tuyển vào trường. Điểm xét tuyển này đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng nếu có. Với thí sinh có điểm ưu tiên, thực tế điểm học bạ thấp hơn 5 điểm/môn cũng trúng tuyển đại học.
Tương tự, theo công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm của Trường Đại học Kiên Giang, phương thức xét học bạ THPT, nếu không tính hai ngành sư phạm thì toàn bộ các ngành còn lại của trường đều có điểm xét tuyển học bạ từ 15 - 16 điểm. Trong đó có 7 ngành có điểm xét tuyển 15 và 15 ngành có điểm xét tuyển 16. Ngoài công bố điểm chuẩn, Trường Đại học Kiên Giang cũng công bố danh sách hơn 900 thí sinh đạt điều kiện xét tuyển sớm theo phương thức xét học bạ THPT.
Nhỉnh hơn là Trường Đại học Gia Định khi điểm chuẩn phương thức xét học bạ THPT toàn bộ các ngành đều là 16,5 điểm. Như vậy, bình quân 5,5 điểm/môn thí sinh đã trúng tuyển đại học này.
Chuyên gia tuyển sinh của một trường đại học tại TPHCM cho hay, từ năm 2017 trở về trước, Bộ GD&ĐT có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng (hay còn gọi là điểm sàn) chung cho tất cả các trường. Cụ thể, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6.0 đối với trình độ đại học, điều này có nghĩa điểm sàn xét tuyển học bạ THPT là 18 điểm đối với bậc đại học. “Tuy nhiên, từ năm 2018, ngoại trừ khối ngành sức khỏe và ngành sư phạm vẫn được Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn cho cả phương thức xét học bạ THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT, các ngành còn lại các trường đại học tự xác định điểm sàn dẫn đến điểm chuẩn nhiều trường đại học có thời điểm “dưới sàn” khi lấy điểm chuẩn phương thức xét học bạ 5 điểm/môn …”, chuyên gia này nói.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT lưu ý sự lựa chọn ngành học hiện nay là phục vụ cho thị trường lao động tương lai, không phải hiện tại. Vì tốc độ thay đổi ngành nghề, sự phát triển khoa học công nghệ sẽ dẫn tới những ngành nghề mới, công cụ mới, kỹ năng kiến thức mới, thí sinh cần có nền tảng vững để tự học suốt đời để tiếp cận sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động.