Theo Defence Update, THOR là phiên bản Starstreak, hệ thống phòng không đa năng do công Thales Air Defence, Anh chế tạo. Quá trình phát triển tên lửa được triển khai vào những năm 1980, sau khi quân đội Anh tiến hành đánh giá các tùy chọn giữa pháo và tên lửa nhằm tăng khả năng phòng thủ cho các đơn vị bộ binh cơ giới.
Bộ Quốc phòng Anh yêu cầu hệ thống vũ khí mới phải đáp ứng các tiêu chuẩn: bệ phóng tự hành, trọng lượng gọn nhẹ, có thể sử dụng cho bộ binh vác vai. Công ty Shorts Missile Systems (nay thuộc Thales Air Defence, vương quốc Anh, công ty con của tập đoàn Thales, Pháp) được giao hợp đồng phát triển.
Hợp đồng sản xuất được ký vào năm 1986, Starstreak được đưa vào sử dụng trong quân đội Hoàng gia Anh từ năm 1997. Hệ thống được xuất khẩu cho một số quốc gia Đông Nam Á và Nam Phi. Năm 2005, Thales giới thiệu phiên bản THOR lắp trên xe tải Pinzgauer (6x6). Đây là phiên bản hiện đại nhất của gia đình Starstreak.
Thiết kế chứa 3 đạn con dẫn hướng laser độc đáo của hệ thống THOR. Ảnh đồ họa:Thales
3 mũi tên độc đáo
Ý tưởng thiết kế của hệ thống THOR tương tự tên lửa phòng không-chống tăng ADATS của Thụy Sĩ. Người Anh muốn sử dụng một hệ thống vũ khí làm hai nhiệm vụ phòng không và chống tăng cùng lúc. So với ADATS của Thụy Sĩ, hệ thống THOR có nhiều điểm cải tiến giúp nâng cao hiệu suất tác chiến.
Tháp pháo của hệ thống lắp trên khung gầm xe tải quân sự cơ động cao Pinzgauer 6x6 bánh. Hệ thống gồm một trạm tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu quang-hồng ngoại.
Trạm chứa một camera truyền hình độ phân giải cao cùng máy ảnh hồng ngoại tiên tiến. Hệ thống cảm biến có thể phát hiện những mục tiêu có bức xạ hồng ngoại thấp và có khả năng theo dõi mục tiêu tự động.
Các thông tin về mục tiêu được hiển thị lên màn hình LCD bên trong khoang, người vận hành sử dụng thanh điều khiển dạng HOTAS để lựa chọn, khóa mục tiêu và khai hỏa. Với hệ thống điều khiển tích hợp hiện đại nên chỉ cần một người vận hành hệ thống giúp tinh gọn biên chế.
Hai bên tháp pháo lắp 4 đạn tên lửa. Điểm độc đáo của THOR so với các tên lửa phòng không khác nằm ở thiết kế đạn. Tên lửa chứa 3 đạn con, khi đến gần mục tiêu, 3 đạn con sẽ phóng ra và lao về phía mục tiêu nhằm tăng hiệu suất tiêu diệt đối với các đối tượng trên không.
Tên lửa được dẫn hướng theo công nghệ bám chùm laser bán chủ động kiểu “ma trận” với 2 chùm tia laser, một chùm từ trạm cảm biến và một lắp trên đạn mẹ. Đạn con sử dụng cảm biến laser để lần theo tín hiệu phản xạ từ mục tiêu do hệ thống chỉ thị cung cấp.
Mỗi đạn con có đường kính 22 mm, dài 396 mm, trọng lượng khoảng 900 gram, chứa 450 gram thuốc nổ mạnh. Tên lửa có tầm bắn tối đa 7 km, tầm cao 5 km.
Hệ thống chỉ thị chiếu chùm tia laser có bán kính khoảng 1,5 m về phía mục tiêu, 3 đạn con được thiết kế để bay kiểu xoắn ốc trong vùng quét của tia laser nhằm đảm bảo hiệu quả tiêu diệt mục tiêu. Ưu điểm của thiết kế này là chỉ cần một trong ba đạn trúng đích là đủ để hạ mục tiêu trên không.
Ngoài ra, việc sử dụng 2 chùm tia laser giúp tăng hiệu quả chỉ thị mục tiêu so với chùm laser đơn. Công nghệ dẫn hướng laser gần như miễn nhiễm với các biện pháp đối phó điện tử, hồng ngoại. Tuy vậy, công nghệ này cũng tồn tại nhiều nhược điểm.
Ngòi nổ của đạn con được thiết kế kiểu va chạm nên phải đâm trúng mục tiêu mới phát nổ, trong khi các tên lửa sử dụng ngòi nổ cận đích có thể phát nổ cách máy bay vài mét và tiêu diệt đối tượng bằng mảnh văng từ đầu đạn.
Người điều khiển phải có trình độ cao để đảm bảo việc duy trì chiếu chùm tia laser vào mục tiêu cho đến khi tên lửa trúng đích. Nếu máy bay được trang bị cảm biến cảnh báo laser, phi công có thể thực hiện các biện pháp cơ động phòng tránh và bắn trả, khiến việc chỉ thị mục tiêu trở nên khó khăn hơn. Sương mù, khói cũng là những “kẻ thù” với công nghệ dẫn hướng này.
Tên lửa THOR khai hỏa. Ảnh: Defence Update
Tên lửa tầm thấp nhanh nhất thế giới
Tên lửa THOR sử dụng động cơ nhiên liệu rắn có tốc độ tối đa tới Mach 4 (4.899 km/h) đưa nó trở thành tên lửa tầm thấp nhanh nhất thế giới.
Các nhà thiết kế muốn dựa vào tốc độ cao của tên lửa khiến đối phương không đủ thời gian thực hiện các biện pháp phòng tránh. Với tốc độ Mach 4, tên lửa chỉ mất 5,14 giây để chạm mục tiêu ở cự ly xa nhất 7 km.
Một động cơ tăng cường sẽ đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng ở khoảng cách vài trăm mét, sau đó động cơ chính sẽ kích hoạt để đẩy tên lửa lao đến mục tiêu. Giải pháp thiết kế này nhằm đảm bảo an toàn cho bệ phóng và người điều khiển.
Ngoài nhiệm vụ chính là phòng không, THOR còn có khả năng tiêu diệt các phương tiện xe bọc thép chở quân, xe thiết giáp khác. Tuy nhiên, khả năng xuyên giáp của tên lửa khá hạn chế nên chỉ phù hợp để chống các phương tiện bọc giáp nhẹ.
So với ADATS của Thụy Sĩ, THOR thành công hơn ở cả phương diện kỹ thuật lẫn thương mại. Ngoài người sử dụng chính là quân đội Anh, các phiên bản của gia đình Starstreak đã được xuất khẩu cho Nam Phi, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
HOTAS là viết tắt của cụm từ Hands On Throttle-And-Stick (thanh điều khiển cầm tay), một thuật ngữ dùng để chỉ công nghệ điều khiển tích hợp sử dụng trong máy bay tiêm kích và một số ứng dụng điều khiển học khác. Ưu điểm của công nghệ này là cho phép tích hợp hầu hết việc lái máy bay, lựa chọn mục tiêu và khai hỏa vũ khí lên thanh điều khiển giúp giảm khối lượng công việc cho phi công, đặc biệt trong các tình huống cơ động đột ngột.