Tục chôn người trong thân cây, hốc đá ở Indonesia

Nếu một đứa trẻ chết khi răng chưa mọc, người Toraja ở Indonesia sẽ đưa thi thể em vào hốc cây. Trong những trường hợp khác, họ đưa xác vào các hang, hốc trên núi.

Những khu vực rừng núi ở phía nam đảo Sulawesi thuộc Indonesia là quê hương của bộ tộc Toraja. Phần lớn thành viên của bộ tộc sống ở khu vực trung tâm của đảo.

Người Tojara theo thuyết vật linh, nghĩa là họ tin rằng vạn vật trên đời - từ động vật, thực vật, khoáng sản tới các hiện tượng thiên nhiên như sét, bão, động đất - đều có linh hồn. Vì thế, mỗi khi một người qua đời, họ tổ chức tang lễ theo nhiều nghi thức rất phức tạp.

Với những trẻ em chết trước khi răng mọc, người Toraja khoét thân cây rồi đặt tử thi vào đó. Họ dùng lá cọ để kết thành tấm chắn bên ngoài hốc cây. Theo thời gian, cây tiếp tục sinh trưởng và các hốc biến mất. Mỗi cây có thể trở thành nơi yên nghỉ của hàng chục đứa trẻ.

Khi một người Torajai chết, người thân sẽ phải thực hiện hàng loạt nghi thức tang lễ trong nhiều ngày. Song phần lớn gia đình Torajai không có đủ tiền để thực hiện toàn bộ nghi thức tang lễ ngay lập tức nên họ phải chờ nhiều ngày, tuần hoặc thậm chí vài tháng. Trong thời gian này, người thân không chôn tử thi. Họ ướp rồi đặt xác trong một căn phòng của ngôi nhà. Trước khi các nghi thức tang lễ kết thúc, người ta coi tử thi là người đang mắc bệnh, chứ chưa chết.

Ngay sau khi gia đình có đủ tiền, các nghi thức tang lễ bắt đầu. Họ giết trâu và lợn rồi nhảy múa, còn những bé trai dùng các ống tre dài để hứng máu từ những con vật mà người lớn giết. Địa vị của người chết càng cao thì số lượng trâu dành cho tang lễ càng lớn. Trong một số đám tang của người giàu hoặc có quyền thế trong làng, người dân có thể thịt tới vài chục con trâu, vài trăm con lợn. Sau nghi lễ hiến sinh, người ta chia thịt cho những vị khách dự đám tang.

Những hình nộm gỗ đại diện cho người chết trong một hốc đá.

Đám tang của người Toraja là một sự kiện xã hội quan trọng, với sự tham gia của cả dòng họ và người dân trong làng. Đây là dịp để người dân làm mới hay củng cố các mối quan hệ trong cộng đồng.

Phần lớn hình nộm gỗ hướng về phía mảnh đất của gia đình.

Người Toraja hiếm khi chôn tử thi trong lòng đất, mà đặt người đã khuất vào các hang, khe đá, hốc trên núi hoặc hay đặt xác vào quan tài gỗ rồi treo trên vách đá. Họ dành khá nhiều thời gian và tiền để hoàn thành nơi yên nghỉ của người chết.

Gia đình người chết trang trí quan tài khá cầu kỳ, song do tác động của thời gian, gỗ mục dần khiến xương của người chết không còn ở vị trí ban đầu.

Sau khi hoàn thành quá trình chôn tử thi, khách ăn tiệc rồi trở về nhà, song các nghi thức vẫn chưa chấm dứt. Cứ vài năm, vào tháng 8, một nghi lễ mang tên Ma’Nene sẽ diễn ra. Người Toraja đào mộ, lấy xác rồi tắm, mặc quần áo, trang điểm rồi cho người chết diễu hành quanh làng.

Ngày nay hàng vạn du khách và nhà nhân chủng tới đảo Sulawesi hàng năm để chiêm ngưỡng những nghi lễ kỳ lạ đối với tử thi của người Toraja. Từ năm 1984, Bộ Du lịch Indonesia đã đánh giá khu vực sống của người Toraja là địa danh du lịch hấp dẫn thứ hai của đất nước, sau đảo Bali.

Theo Theo Zing