Tự do và an ninh quốc gia

TP - Phát ngôn viên không chính thức của nhóm tin tặc hàng đầu thế giới “Anonymous” (Ẩn danh) vừa bị tòa án Mỹ kết án. Vụ việc có thể sẽ không trở nên quá ầm ĩ nếu như người bị kết tội không phải là một nhà báo. 

Barrett Brown là nhà báo tự do, bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt năm 2012 sau khi đăng đường link dẫn đến các số liệu do Anonymous đánh cắp từ mạng tin tình báo toàn cầu Stratfor Global Intelligence của Mỹ năm 2011. Theo phán quyết của tòa án liên bang ở Dallas, bang Texas, nhà báo bị kết án 5 năm tù và nộp khoản tiền phạt lên tới 890.000 USD. 

Ngay lập tức, bản án của hệ thống tòa án Mỹ đã vấp phải sự phản đối dữ dội của giới báo chí. Các tổ chức Ủy ban bảo vệ Nhà báo và Nhà báo không biên giới chỉ trích rằng “Brown bị truy tố vì những việc anh thực hiện với tư cách một nhà báo”. Bản thân bị cáo Brown nói rằng “Chính phủ Mỹ đã đẩy tôi vào tù chỉ vì tôi đã copy và dán một đường link đến một hồ sơ công khai vốn đã được các nhà báo khác kết nối trước đó mà không bị truy tố”. 

Trước đó, bản thân nhóm Anonymous cũng tuyên bố mục đích của các cuộc tấn công mạng là “tạo điều kiện tự do ngôn luận, thể hiện sự bất đồng chính kiến, thể hiện sự phản đối trước một chính sách nào đó”. Hậu quả là hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các trang web chính phủ, làm lộ nhiều thông tin tuyệt mật, buộc Washington phải tiến hành các vụ truy quét, bắt bớ các thành viên Anonymous. 

Tuy nhiên, trong khi việc bắt giữ các tin tặc Anonymous được Washington giải thích bằng lý do bảo vệ an ninh quốc gia thì vụ xét xử nhà báo Brown dường như đẩy Chính phủ Mỹ vào tình thế “há miệng mắc quai” khi vấp phải cáo buộc của giới báo chí cho rằng đó là một hành động đi ngược lại quyền “tự do ngôn luận”. 

Sự xuất hiện và hoành hành của Anonymous, sự tiếp tay truyền bá cho nhóm tin tặc này của Brown, hậu quả nặng nề của nó đã khiến Chính phủ Mỹ nhận rõ hơn bao giờ hết ranh giới mong manh giữa “tự do ngôn luận” với “tự do quá trớn”. 

Chính phủ Mỹ buộc phải hành động kiên quyết với Anonymous và Brown, cho dù điều này có thể làm sứt mẻ hình ảnh một đất nước vốn tự coi là ngọn cờ đầu trong việc thực thi tự do ngôn luận trên toàn thế giới.