Ngân Hàng trong nước:

Tự cứu mình khi chưa quá muộn

TP - Mặc dù các NHTM trong nước đều ý thức sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt, song hiện vẫn còn không ít các NH thay vì đầu tư mở rộng liên kết các lĩnh vực, dịch vụ chỉ “mê mải” chạy theo việc mở rộng mạng lưới.

Trao đổi với Tiền phong, một Phó thống đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh mới đây đã thừa nhận: chính những điều này đã “vô hình” đẩy chi phí hoạt động của các NH (thông qua thuê mặt bằng, hệ thống máy ATM, chi phí nhân lực) tăng cao, rất lãng phí.

Trong khi đó, theo Thống đốc NHNN Lê Đức Thuý, bức tranh toàn cảnh về sở hữu ngân hàng khi Việt Nam gia nhập WTO sẽ có những thay đổi căn bản, với việc các tổ chức tài chính nước ngoài sẽ có thể từng bước nắm giữ cổ phần của các ngân hàng Việt Nam.

Những NH yếu kém, quy mô nhỏ sẽ phải sáp nhập. Đặc biệt, việc xuất hiện các ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ làm thay đổi mạnh cơ cấu thị phần tiền tệ.

Làm gì để thoát hiểm khi “lửa cháy sau lưng”? Nói về cách giải quyết những thách thức khi hội nhập, TS Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ phát triển chiến lược NHNN đã nhấn mạnh: “Hội nhập buộc các NH phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường và minh bạch; phải nâng cao tính cạnh tranh và kỷ luật trong hoạt động.

Hội nhập cũng đòi hỏi hệ thống kiểm toán, kế toán, báo cáo tài chính của VN phải cải cách theo thông lệ chuẩn mực hệ thống kiểm toán quốc tế để minh bạch hoá hoạt động của các NHTM, quan hệ giữa NH với khách hàng; giữa các tổ chức tín dụng với NHTƯ.

Các NHTMCP, họ sẽ chọn hướng đi nào? -  Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank khẳng định:“Techcombank sẽ phát triển với chiến lược trở thành NHTM đô thị đa năng.

Cụ thể: sẽ cung cấp các dịch vụ tài chính trọn gói cho khách hàng DN; phát triển dịch vụ bán lẻ tại các đô thị lớn trên nền tảng công nghệ cao; cung ứng dịch vụ trên thị trường tiền tệ...”.

Còn khối NHTM quốc doanh, liều thuốc họ  cần uống lúc này chính là khẩn trương hoàn tất quá trình cổ phần hoá để sớm minh bạch tài chính; có thể những cổ đông lớn là các nhà đầu tư chiến lược hay công chúng.

Thách thức nhưng vẫn còn cơ hội

Phát biểu tại hội thảo về những thách thức của cơ quan quản lý NHTC trong môi trường biến động (do ADB phối hợp với NHNN tổ chức tuần qua tại Hà Nội), sau khi điểm lại tác động của việc gia nhập WTO đối với các khu vực tài chính Đông Âu, Trung Quốc, Australia, ông Alex Erskine (Cty tư vấn Erskinomies) đã đưa ra các bài học chính để VN có quyền lựa chọn.

Theo ông, các cơ hội lợi ích có thể bị hạn chế bởi VN đang có quá nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, việc thực hiện tinh thần những cam kết  WTO có thể tạo ra động lực cho cải cách của các NH và DN.

Theo các chuyên gia, tác động của hội nhập quốc tế gia tăng các luồng vốn trung chuyển, các DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động thông qua nhiều kênh. Hội nhập quốc tế cũng sẽ khơi thông thu hút nguồn vốn; thúc đẩy cải cách toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Băn khoăn, lo lắng, điểm yếu của các NHTM trong nước đang tồn tại như đã trình bày ở trên. Tuy vậy, cánh cửa hội nhập không chỉ mở ra cho các NHTM VN  thách thức mà còn cả cơ hội với những ai dám đương đầu.

Với tham vọng xây dựng quy mô và cơ cấu tổ chức và quản trị theo hướng tập đoàn,  NHTM lớn nhất Việt Nam -Vietcombank đã đặt ra những mục tiêu rất bài bản sau khi cổ phần hoá.

Đó là: trở thành một tập đoàn tài chính đa năng có quy mô đứng trong số từ 50- 70 tập đoàn  tài chính lớn nhất ở châu Á vào giai đoạn 2015-2020 với tổng tài sản trên 30 tỷ USD và vốn chủ sở hữu cần có tương đương 2 tỷ USD vào năm 2015; có phạm vi hoạt động không chỉ trong nước mà ngay tại các thị trường tài chính lớn trên thế giới.

Theo Trưởng đoàn đàm phán WTO Lương Văn Tự, việc cần làm ngay lúc này là ngành Tài chính - Ngân hàng trong nước phải kiểm soát được thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, không để cho các yếu tố đầu cơ tác động đến thị trường.

“Có thể học kinh nghiệm Singapore đang quản lý tiền tệ hằng ngày chứ không phải hằng tháng, để kịp thời biết và điều chỉnh theo động tĩnh thị trường. Thị trường tiền tệ có ổn định thì mới giữ vững được các hoạt động khác” - Ông khẳng định.