Ông có theo dõi thông tin về Phạm Anh Khoa những ngày qua không, ông thấy thế nào về hiện tượng này?
Thông tin Phạm Anh Khoa tôi cũng chỉ biết qua báo chí, dư luận. Thực chất có chuyện xâm hại tình dục hay không chỉ người trong cuộc mới biết, không có chứng cứ nên tôi không thể phán xét. Tuy nhiên hiện tượng Phạm Anh Khoa có nói rằng chuyện trong showbiz “vỗ mông là thân thiện, là cách chào hỏi” không thể chấp nhận được. Không riêng tôi nhiều người đều không thể chấp nhận chuyện đó.
Chúng ta không nên tuyệt đối hoá, có những khi cử chỉ như vỗ mông, vỗ má, vỗ mặt, xoa đầu có thể có nhưng giới hạn ở đâu và đối với ai, chứ không phải hai người giới tính khác nhau hành động như thế được.
Hành vi vỗ mông không thể nào coi như chuẩn mực giao tiếp, thân thiện trong showbiz được.
Ông nghĩ gì về cách xin lỗi của Phạm Anh Khoa?
Đó là biểu hiện có ý xin lỗi nhưng cách xin lỗi không thật lòng. Cách trả lời chưa đủ dũng khí, chưa cầu thị.
Nhà đài làm ngơ trước sự việc của Phạm Anh Khoa
Hình như từ trước tới giờ ngoài Phạm Anh Khoa còn nhiều trường hợp nữa ở showbiz từng lên tiếng xin lỗi vì nhiều lí do, nhưng hình như văn hoá xin lỗi chưa ổn?
Nếu phân tích về tâm lý, khi con người có tội luôn muốn che đậy, bao biện và thậm chí tìm cách giảm nhẹ. Không riêng showbiz, ở đâu, lĩnh vực nào cũng có tốt có xấu, chúng ta đang đấu tranh với cái xấu để điều chỉnh lại chuẩn mực trong sinh hoạt, giao tiếp để hướng tới xã hội văn minh hơn.
Phong trào #Metoo bênh vực và khích lệ những nạn nhân của quấy rối tình dục mỗi ngày một lớn mạnh trên thế giới, nhất là trong giới nghệ thuật quốc tế. Ông đánh giá thế nào về tác động của phong trào này đối với giới giải trí Việt Nam?
Có những cái chúng ta du nhập, tuy nhiên có những cái do quy luật cuộc sống tự nhiên phát triển lên. Phụ nữ Việt Nam xưa thường e ngại những chuyện như thế, tuy nhiên họ bây giờ đủ độ nhận thức, hơn nữa tự xã hội thấy cần phải điều chỉnh, người phụ nữ cần lên tiếng bảo vệ chính mình.
Nếu đúng như những gì họ tố, tôi đánh giá cao những người phụ nữ đủ dũng khí như vậy. Có một số người nghi ngại họ tố cáo để đánh bóng bản thân, khi chưa có chứng cứ chúng ta không nên quy chụp. Tuy nhiên việc dám dũng cảm tố cáo hành vi quấy rối đó cần được xã hội ủng hộ.
Phạm Anh Khoa nói rằng anh ta không nhận thức được việc “vỗ mông” là quấy rồi, liệu anh ta quá ngây thơ hay cố tình bao biện?
Không thể nào nói rằng hành vi đó là do không có ý thức. Bởi Phạm Anh Khoa là người đàn ông có gia đình, có vợ rồi và đã biết đối với người phụ nữ như thế nào là cõi riêng tư, như thế nào là sự nhạy cảm.
Tôi nghĩ cách trả lời của Phạm Anh Khoa chưa ổn, bởi vì cách nói như thế không thuyết phục được ai cả, ngay cả người đặt câu hỏi cũng thấy không ổn và phản ứng lại ngay.
Ông nghĩ sao khi Phạm Anh Khoa vẫn xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia, liệu những người tố cáo ca sĩ này và những người khác sẽ cảm thấy thế nào?
BTC chương trình nhạc rock rất có ý thức trong việc giữ gìn hình ảnh, họ nhất quyết đưa Phạm Anh Khoa ra, tôi đánh giá cao hành động đó. Cùng thời điểm đấy VTV phát sóng lễ hội của Hải Phòng có Phạm Anh Khoa, sau đó là một gameshow khác.
Tôi nghĩ trong chuyện này lãnh đạo truyền hình quốc gia nên có quan điểm rõ ràng. Dù về luật pháp chưa rõ ràng gì nhưng đưa hình ảnh người bị dư luận lên án trong bối cảnh hết sức lo ngại, chẳng khác nào không quan tâm đến dư luận xã hội.