Ngày 19/11, tại trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, trong tiết 3 của buổi học, một bạn trong lớp 6.2 mách với cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy là bạn H.L.N chửi mẹ bạn ấy. Không điều tra thực hư thế nào, lập tức, cô Thủy ra lệnh cho lớp, sau giờ học mỗi bạn phải tát N 10 cái. Bạn nào tát nhẹ, tát thiếu sẽ bị N tát lại gấp đôi. Sau khi hứng 230 cái tát của bạn và 1 cái tát của cô, N đã phải nhập viện.
Ngay sau đó, ngày 3/12, tại trường tiểu học Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội, cũng xảy ra sự việc giáo viên yêu cầu học sinh tát bạn. Ngày 7/12, học sinh K trường tiểu học Bình Hữu, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An bị cô giáo đánh bầm tím người.
Chưa đầy một tháng, ba sự việc nghiêm trọng về bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, Bộ GD&ĐT phải ra văn bản yêu cầu các sở GD&ĐT xem xét xử lý nghiêm vụ việc. Đó còn chưa kể đến vụ việc tại trường Mầm non B Trực Đại, Trực Ninh, Nam Định, giáo viên buộc dây vào áo, cột trẻ vào cửa sổ vì trẻ bị tăng động. Sự việc chưa nghiêm trọng nhưng cho thấy giáo viên thiếu kỹ năng và phương pháp sư phạm với trẻ khuyết tật.
“Chúng tôi đi 15 trường học ở 5 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp. Qua khảo sát đều cho thấy, tất cả các trường đều không có quyền tự chủ trong nhân sự”.
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ
Dư luận cho rằng, những sự việc buồn nêu trên đều xuất phát từ chính giáo viên và việc tuyển dụng giáo viên đang có vấn đề. Đó là, hiện cả nước có trên 1 triệu giáo viên ở các cấp học nhưng ngành giáo dục không được trực tiếp tuyển dụng.
Theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, hiện nay việc tuyển dụng giáo viên vẫn là do ngành Nội vụ chủ trì. “Tôi vừa đi khảo sát theo một đề tài của Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam về thực hiện quyền tự chủ trong nhà trường phổ thông. Chúng tôi đi 15 trường học ở 5 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp. Qua khảo sát đều cho thấy, tất cả các trường đều không có quyền tự chủ trong nhân sự” - PGS Rỹ nói.
Ông Rỹ cũng cho biết, mặc dù, Điều 58 của Luật Giáo dục 2005 có nêu, nhà trường có quyền tuyển dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ, nhân viên; tham gia vào quá trình điều động của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với nhà giáo, cán bộ, nhân viên. Nhưng thực tế, các trường không được thực hiện quyền ấy mà do các cơ quan khác đảm nhiệm.
Cho nên đối với việc tuyển dụng giáo viên đừng đổ lỗi cho nhà trường và ngành Giáo dục, vì họ không được tuyển người. “Theo tôi, về lâu dài, trường sư phạm - nơi đào tạo giáo viên phải chú ý hơn đến việc giáo dục đạo đức cho sinh viên, những người sau khi ra trường sẽ trở thành nhà giáo. Ngoài ra, việc tuyển chọn giáo viên vào giảng dạy ở trong các nhà trường phải chú ý nhiều hơn đến phẩm chất, đạo đức và năng lực sư phạm” - PGS Vũ Trọng Rỹ chia sẻ.
“Tới đây chúng tôi cũng chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo ở địa phương là phải chủ động hơn nữa trong đề xuất tuyển dụng giáo viên nhưng vẫn vướng ở chỗ sử dụng nhưng không được trực tiếp chủ trì tuyển dụng. Đây là vấn đề chưa khắc phục được”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Trước đó, tại phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Việc tuyển dụng giáo viên hiện nay, theo phân cấp của chính quyền địa phương, thì ngành giáo dục chỉ tham mưu còn chủ trì vẫn là ngành nội vụ. “Tới đây chúng tôi cũng chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo ở địa phương là phải chủ động hơn nữa trong đề xuất tuyển dụng giáo viên nhưng vẫn vướng ở chỗ sử dụng nhưng không được trực tiếp chủ trì tuyển dụng. Đây là vấn đề chưa khắc phục được” - ông Nhạ nêu thực tế.