Tham dự buổi gặp gỡ, phía gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ và chồng bà là doanh nhân Nguyễn Trung Trực; Giáo sư Tương Lai – nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, cố vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, một người bạn thân thiết của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Tại buổi gặp gỡ, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cho rằng, bà vui mừng và xúc động trước đề xuất của trường Đại học Văn Lang. “Với một hội trường đẹp như vậy, tôi hy vọng một ngày nào đó, nhóm du ca Trịnh Công Sơn của chúng tôi sẽ có cơ hội biểu diễn ở đây, hát cho sinh viên trên sân khấu này”, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nói.
Toàn cảnh hội trường Trịnh Công Sơn
Chồng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – doanh nhân Nguyễn Trung Trực – chia sẻ cụ thể hơn về những dự định cho âm nhạc Trịnh Công Sơn trong 2 năm tới, hướng đến kỷ niệm 20 năm ngày mất của cố nhạc sĩ. “Bên cạnh những dự án phim về Trịnh Công Sơn, tour biểu diễn Huế - Sài Gòn – Hà Nội và biểu diễn tại các trường đại học, tôi đề nghị Trường Đại học Văn Lang nghiên cứu giảng dạy môn “Trịnh Công Sơn học” – một chuyên đề đã được giảng dạy ở Mỹ và Nhật Bản”, ông Trực nói.
Trước đề xuất của phía gia đình cô nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường cho rằng, môn Trịnh Công Sơn học sẽ là một điểm nhấn thú vị trong chương trình đào tạo ngành Văn học ứng dụng, Piano, Thanh nhạc, Đông phương học của Trường Đại học Văn Lang. Qua âm nhạc Trịnh Công Sơn, sinh viên có thể học được cả về bản sắc văn hóa và tâm tính dân tộc.
Hội trường Trịnh Công Sơn của Trường Đại học Văn Lang có sức chứa 1.600 chỗ ngồi, thiêt kế theo chuẩn quốc tế, hiện đại vừa được đưa vào sử dụng từ đầu tháng 4/2019 cho những sự kiện hội thảo khoa học quốc tế và gặp gỡ cựu sinh viên.