Trong bài viết mới đăng trên tạp chí trực tuyến của Úc East Asia Forum, ông Jia Qingguo, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Bắc Kinh, cho rằng Bắc Kinh cần vạch ra các kế hoạch dự phòng, dù tự mình làm hay hợp tác với Washington và Seoul, để chuẩn bị cho khả năng cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên leo thang thành xung đột.
Ông Jia cho rằng, có 4 vấn đề cần được tính đến: vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, dòng người tị nạn, khôi phục trật tự xã hội và các sắp xếp chính trị hậu khủng hoảng trên bán đảo. “Cho đến nay Bắc Kinh vẫn cưỡng lại ý tưởng này vì lo ngại sẽ khiến Bình Nhưỡng thất vọng và bị xa lánh. Nhưng trước những diễn biến gần đây, Bắc Kinh có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu bàn bạc với Washington và Seoul”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời ông Jia. “Khi chiến tranh trở thành khả năng có thật, Trung Quốc phải chuẩn bị trước”, học giả Trung Quốc viết.
Ông Jia viết rằng, nếu chế độ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sụp đổ, dễ xảy ra nhất là khi Mỹ tấn công quân sự, Trung Quốc hoặc Mỹ sẽ phải sẵn sàng quản lý các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên để ngăn chặn nguy cơ vũ khí bị phát tán. Một vùng an toàn cần được thiết lập ở vùng đông bắc Trung Quốc để làm nơi trú ẩn cho người tị nạn Triều Tiên, và Bắc Kinh phải bàn với Washington về việc có chấp nhận một bán đảo Triều Tiên thống nhất hay không.
Ông Sun Xingjie, chuyên gia tại ĐH Cát Lâm (Trung Quốc), đồng ý rằng việc chuẩn bị là cần thiết. “Việc Bắc Kinh chuẩn bị tốt ở vùng biên giới để đối phó khả năng khủng hoảng hạt nhân hoặc người tị nạn là ý tưởng tốt”, ông Sun nói. Nhưng chuyên gia này cho rằng, nguy cơ xảy ra chiến tranh là thấp vì Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân và chưa từng có cuộc xung đột trực tiếp nào giữa các nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
Những tháng gần đây, Trung Quốc có nhiều bước đi nhằm đánh tín hiệu về sự mất bình tĩnh với nước láng giềng, gần đây nhất là lệnh cấm ngay lập tức việc nhập khẩu hàng dệt may Triều Tiên và áp trần xuất khẩu dầu sang Triều Tiên từ năm sau. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không sẵn sàng bàn với Mỹ về một kế hoạch dự phòng trừ khi biện pháp cấm vận cuối cùng là cấm vận dầu hoàn toàn được thông qua, ông Cheng Xiaohe, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân Trung Quốc, nhận định.
Ông Cheng cho rằng, việc cấm vận dầu hoàn toàn sẽ có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc nhân đạo hoặc một cuộc tấn công phủ đầu của Bình Nhưỡng. Dù ai là nước tấn công trước tiên, Trung Quốc cũng phải bảo vệ lợi ích của mình, ông Cheng nói. Để làm được điều đó, giới chức trong các lực lượng quân đội, dân phòng và biên phòng đều phải chuẩn bị chiến lược. “Trung Quốc phải hành động nhanh để giảm thiểu thiệt hại đối với các lợi ích của Trung Quốc và có tiếng nói lớn hơn trong vấn đề sắp xếp hậu khủng hoảng”, ông Cheng nói.
Đã bắt đầu chuẩn bị
Có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu chuẩn bị khi hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua đưa tin Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng đi kiểm tra lực lượng ở quân khu miền bắc. Quân khu này phụ trách khu vực biên giới phía bắc với Triều Tiên.
Ông Cheng nói rằng, trên bán đảo Triều Tiên sau khủng hoảng, những lợi ích cơ bản của Trung Quốc là đưa bán đảo thoát khỏi vũ khí hạt nhân và bảo đảm các lực lượng của Mỹ ở dưới vĩ tuyến 38. Những tính toán chủ chốt khác sẽ là một thỏa thuận về biên giới, thanh toán các khoản nợ của Triều Tiên với Trung Quốc và bảo đảm các cơ sở thương mại của người Trung Quốc ở Triều Tiên. “Quân đội Trung Quốc phải di chuyển nhanh để bảo vệ các cơ sở và địa điểm quan trọng, ngăn chặn khủng hoảng tị nạn và phát tán hạt nhân, cũng như giành được vị trí tốt trong các sắp xếp quốc tế sau đó”, ông Cheng nói.
Nhà nghiên cứu Lu Chao, công tác tại Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh (Trung Quốc), đồng ý rằng, dòng người tị nạn ồ ạt từ Triều Tiên sẽ là mối quan ngại lớn nhất của Trung Quốc và các nước láng giềng, nhưng vẫn còn quá sớm để bàn về điều đó. “Một điều kiện tiên quyết để vạch ra kế hoạch dự phòng là khả năng chính quyền của ông Kim sụp đổ, nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy có dấu hiệu đó”, ông Lu nói.