Trung thu cho trẻ

TP - Tết Trung thu cổ truyền của Việt Nam đứng trước những thách thức của đời sống hiện đại. Nhà sử học Dương Trung Quốc nêu quan điểm, không nên biến cuộc sống nói chung, Tết Trung thu nói riêng thành bảo tàng, bởi nó cần được sáng tạo, hướng đến cuộc sống đương đại.

1. Cung thiếu nhi Hà Nội là một trong những điểm truyền thống tổ chức lễ hội trung thu quy mô lớn cho trẻ em Thủ đô, năm nay tiếp nối với chuỗi sự kiện Trung thu yêu thương-Đêm hội trăng rằm 2022. Bà Võ Thị Thanh Diệp, Phó Giám đốc Phụ trách Cung thiếu nhi Hà Nội phối hợp với Hội truyền thông TP Hà Nội thực hiện tọa đàm Tết Trung thu cổ truyền-Gìn giữ, phát huy và lan tỏa, vào chiều 7/9, quy tụ nhiều chuyên gia văn hóa và nghệ nhân dân gian.

“Tôi nghĩ một thú vui rất dễ thực hiện lại không mất tiền là ngắm trăng - cái thú số một của trung thu. Hà Nội có nhiều điểm ngắm trăng đẹp như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Thiền Quang... và rộng hơn là sông Hồng. Cuộc sống phải gần với thiên nhiên, chúng ta nên tạo điều kiện cho trẻ có không gian ngắm trăng. Thú vui tiếp theo là làm đồ chơi trung thu. Trẻ con phải được tham gia thay vì người lớn làm cả rồi”.

Nhà văn Lê Phương Liên

Bà Phạm Thanh Hà, Chủ tịch Hội truyền thông TP Hà Nội cho rằng để gìn giữ và phát huy được những nét đẹp văn hóa của Tết Trung thu cổ truyền cần sự chung tay của các bên: nhà nghiên cứu bảo tồn văn hóa, nhà trường, gia đình, các cơ quan truyền thông, các nhà sản xuất đồ chơi, sản phẩm phục vụ trung thu trong đó cần lan tỏa những cách làm, mô hình tổ chức trung thu hay, sáng tạo. Ban tổ chức lựa chọn trưng bày gần 30 bức ảnh quý về trung thu Hà Nội do Tạp chí Xưa và Nay sưu tầm, tái hiện câu chuyện về đồ chơi trung thu, cách đón trung thu của người Hà Nội sau năm 1945.

Lễ hội trung thu thành Tuyên là một trong những cách làm độc đáo, sáng tạo Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG

Đồ chơi trung thu là một trong những nỗi trăn trở của nhiều chuyên gia văn hóa. Chuyên gia nghiên cứu môi trường và lịch sử văn hóa - TS Vũ Thế Long nhận định: “Dù có một thế lực đồ chơi nhập ngoại vào Việt Nam áp đảo thị trường, đồ chơi trung thu truyền thống có biến đổi so với trước nhưng nó vẫn trường tồn và không hề vắng bóng ở Hà Nội qua các thời kỳ”. Ông nói rằng, đồ chơi trung thu Việt Nam gắn bó thân thiết với trẻ em và người lớn, gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng văn hóa dân gian và có sự biến hóa, phù hợp với sự tiến bộ của khoa học và nhu cầu đời sống.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền (83 tuổi) hơn 60 năm làm đèn kéo quân kể lại những năm đầu tiên được Bảo tàng Dân tộc học mời ra hướng dẫn trẻ và du khách làm đèn, mỗi mùa Trung thu chỉ bán được vài chiếc khiến bảo tàng “lỗ to”. Thế nhưng những người làm văn hóa đã kiên trì mời ông, bởi họ cho rằng cái được lớn nhất là sự khơi dậy tình yêu với chiếc đèn truyền thống, với nét sinh hoạt cộng đồng. Nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh (73 tuổi) vẫn miệt mài làm ra con giống, đĩa hoa quả bằng bột. Trải qua những năm tháng thăng trầm của đồ chơi trung thu truyền thống, bà kiên trì giữ lửa vì nhận ra những giá trị truyền thống không hề bị khuất lấp.

Nhà văn Lê Phương Liên nhớ lại Tết Trung thu đầu tiên trong đời ở Cung thiếu nhi với mâm cỗ được bày trên bể bơi rất ấn tượng. Ấn tượng sâu đậm mấy chục năm trước chính là lần đầu bà và các bạn nhỏ được gặp Bác Hồ trong dịp phá cỗ đón trăng. “Tôi nghĩ một thú vui rất dễ thực hiện lại không mất tiền là ngắm trăng - cái thú số một của trung thu. Hà Nội có nhiều điểm ngắm trăng đẹp như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Thiền Quang... và rộng hơn là sông Hồng. Cuộc sống phải gần với thiên nhiên, chúng ta nên tạo điều kiện cho trẻ có không gian ngắm trăng. Thú vui tiếp theo là làm đồ chơi trung thu. Trẻ con phải được tham gia thay vì người lớn làm cả rồi”, nhà văn Lê Phương Liên nói.

2. Tết Trung thu ở Việt Nam có nhiều nét tương đồng với các quốc gia khu vực Đông Á trên nền tảng văn hóa lúa nước, tuy nhiên nhà sử học Dương Trung Quốc chỉ ra những nét riêng có. Đó là những giá trị văn hóa dành cho con trẻ, sự quan tâm đến con trẻ. “Truyền thống ấy đứng trước thử thách của thời đại. Chúng ta phải đối mặt với nó, tuy nhiên không thể biến cuộc sống thành bảo tàng được. Điều quan trọng là biết tách những giá trị truyền thống tồn tại lâu dài để giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa mạnh dạn hướng tới cuộc sống của con trẻ sao cho ngày càng phong phú, tiến bộ hơn”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Thích thú với cách tổ chức lễ hội trung thu ở Tuyên Quang trong suốt những năm qua, TS Vũ Thế Long cũng trực tiếp trải nghiệm quá trình làm mô hình, lễ rước của người dân Tuyên Quang. Ông cho rằng cách tổ chức lễ hội trung thu độc đáo, dựa vào sự đóng góp trí tuệ và kinh phí của người dân chính là một trong những cách làm sáng tạo để lan tỏa thêm giá trị của Tết Trung thu. “Nên tổ chức hội trung thu trong nhiều tỉnh thành vì đây là giá trị văn hóa sẽ có đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp văn hóa du lịch ở nước ta”, TS Vũ Thế Long nói.

Trung thu là để trẻ nhỏ vui chơi, còn người lớn có dịp hoài niệm về ký ức đẹp. Ông Phan Đăng Long, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định không thể chối bỏ cuộc sống hiện đại, vì vậy chỉ có thể chọn những giá trị tiêu biểu của truyền thống để phát huy. Ông Long cho rằng một trong những thành công để duy trì và phát huy sinh hoạt văn hóa tinh thần này chính là giao cho các tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức vui chơi trung thu cho trẻ. Hà Nội thành công nhờ có các lễ hội trung thu khắp ngõ phố cho tới trung tâm lớn như Cung thiếu nhi, phố cổ Hà Nội...

Nhớ mãi tiếng gõ bánh trung thu mỗi mùa đón trăng ở khu Hàng Đường, nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng không nên có suy nghĩ giữ nguyên vẹn trung thu cổ truyền bởi có những thứ không còn phù hợp với đời sống đương đại.

“Điều quan trọng là lựa chọn cái mới để tiếp nối, kế thừa. Quà tặng trung thu, đồ chơi trung thu, trò chơi trung thu cũng nên gần gũi với trẻ em hiện đại. Hãy để các cháu sáng tạo phù hợp với thế hệ chúng. Khi thế hệ sau ý thức được trách nhiệm với thế hệ tiếp theo, ắt sẽ có cách phát huy giá trị tốt đẹp. Nhà quản lý cũng cần tạo ra môi trường lành mạnh”, ông Dương Trung Quốc nói.