Không như quảng cáo
Nguyễn Thị Tuyết Mai - sinh viên năm cuối Học viện Báo chí chia sẻ, xác định khi tốt nghiệp ngoại ngữ rất cần thiết cho công việc nên trong nhiều năm ngồi trên ghế giảng đường cô đã tìm hiểu các trung tâm Anh ngữ để theo học. Cô đăng ký khóa học VIP của một trung tâm Anh Ngữ ở Mai Dịch, Cầu Giấy với giá 7 triệu đồng. Trên website, trung tâm quảng cáo: “Phương pháp học khác biệt, độc đáo giúp người mất gốc thay đổi tư duy và thói quen học ngoại ngữ để có thể giao tiếp tiếng Anh trôi chảy từ 3-6 tháng “. Tuy nhiên, sau một thời gian theo học cho thấy, để thành thạo được như lời nhân viên giới thiệu, đa số học viên trong lớp đều không đạt được.
Hoàng Thị Vân, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí, từng tham gia khóa VIP của một Trung tâm cho biết: “Trước khi nộp tiền, ghi danh mình sẽ nghĩ rằng, không đạt trình độ như họ quảng cáo họ sẽ phải đào tạo lại thì quá yên tâm rồi. Nhưng thực ra, trung tâm luôn có một điều kiện đi kèm để đa số học viên đều mắc phải đó là: học viên không được nghỉ học buổi nào, không vi phạm quy tắc... Mà trong một khóa học kéo dài, việc không vi phạm quy tắc nào là điều khó có thể xảy ra cho nên việc không thi đỗ chứng chỉ đã thuộc về học viên”, Vân nói.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, sinh năm 1994, Nam Định cũng từng tin lời tư vấn của nhân viên một trung tâm tiếng Anh ở quận Thanh Xuân nộp 7,5 triệu đồng cho 1 khóa học nhưng nhận về sự thất vọng ê chề. Chị Hạnh cho biết, nhân viên tư vấn mọi cách để có được học viên, cam kết sau khi học xong 1 khóa sẽ nghe nói được tuy nhiên khi đào tạo lại khác xa thực tế. Trung tâm gom những người đăng ký cùng đợt vào 1 lớp, không phân loại trình độ để có kế hoạch đào tạo bài bản. “Nói chung việc chọn trung tâm ngoại ngữ hiện giờ cũng khá ăn may, cùng một mức tiền nhưng nếu may mắn học viên chọn được trung tâm tốt, giáo viên nhiệt tình, trách nhiệm còn không may thì coi như mất số tiền đó”, chị Hạnh chia sẻ.
Bát nháo
Sau sự việc một giáo viên của Trung tâm Anh ngữ MST mạt sát học viên với những lời lẽ chợ búa, phản giáo dục mới lộ ra việc trung tâm này có tới 3 cơ sở hoạt động vài năm nay nhưng chưa được cấp phép. Điều đáng nói là, lâu nay phụ huynh hay các học viên muốn tìm các địa chỉ để ghi danh học ngoại ngữ cũng chưa quan tâm đến các thông số cơ sở được cấp phép hay không, hoạt động ra sao, ở đó trình độ giáo viên thế nào. Đa số phụ huynh cho biết, họ chọn mặt gửi vàng dựa trên “nghe nói” hoặc sự giới thiệu của người khác. Tương tự, trên webiste các trung tâm cũng chỉ giới thiệu các khóa học, học phí cũng như các cam kết hoa mỹ còn chất lượng đằng sau thì không ai đảm bảo.
Chị Nguyễn Thị Mai Phương ở quận Đống Đa, có con là học sinh lớp 3 chia sẻ, khi tìm địa chỉ học ngoại ngữ cho con, ban đầu chị nghĩ sẽ chọn các trung tâm lớn, lâu năm có uy tín để gửi con nhưng vì học phí quá chát nên theo lời giới thiệu của một người bạn, chị gửi con đến một địa chỉ ở quận Hai Bà Trưng để theo học với giá 250 nghìn đồng/1,5 giờ học. Tuy nhiên, khi đến nơi, chị ngỡ ngàng vì trong phòng học chật hẹp chưa đầy 30 m2 có khoảng 50 học viên ngồi học chen chúc trên ghế nhựa trong tiếng quạt trần chạy rò rò inh tai. Con chị đến muộn còn phải ngồi lên cả cầu thang, kê quyển vở trên gối để viết. Cứ nghĩ, người khác chịu khó được mình cũng động viên con cố gắng tuy nhiên sau một khóa, con không tiến bộ lên nên chị cho con nghỉ. “Sau 2-3 chỗ học chắp vá như thế mình thấy đã mất tiền lại không được dịch vụ như kỳ vọng nên mình khá hoang mang, không biết tin vào đâu”, chị Phương nói.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, đến đầu năm 2018, toàn TP có hơn 1.100 cơ sở giáo dục ngoài nhà trường, trong đó tỷ lệ các trung tâm ngoại ngữ chiếm hơn 50%.