Trung Quốc tự làm 'xấu' mình

Không đợi đến năm 2012, khi Trung Quốc gây sóng gió ở biển Đông dựa trên cái gọi là “đường lưỡi bò”, những học giả Trung Quốc mới lên tiếng phản bác sự vô lý của con đường tự vẽ này.

Trung Quốc tự làm 'xấu' mình

> Trung Quốc quấy rối trên biển để lấn át đàm phán
> Trung Quốc không còn nhiều 'bài' trên Biển Đông

Không đợi đến năm 2012, khi Trung Quốc gây sóng gió ở biển Đông dựa trên cái gọi là “đường lưỡi bò”, những học giả Trung Quốc mới lên tiếng phản bác sự vô lý của con đường tự vẽ này.

Tàu cá Trung Quốc đang ở gần bãi đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh:chinanews.com.

Những tiếng nói lẽ phải này đã bắt đầu ngay từ năm 2010.

Năm 2010, sau khi Trung Quốc nộp bản sao đường lưỡi bò lên Liên Hiệp Quốc để đòi chủ quyền ở biển Đông, không ít công dân Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ con đường vô lý này nếu Trung Quốc không muốn bị cả thế giới xem là “kẻ xâm lược”!

Chưa hề tồn tại

Trong bài viết “Chiến lược tấn công mới ở biển Đông: bỏ đường chín đoạn, xúc tiến khối cộng đồng chung” đăng trên blog.sina.com.cn tháng 12-2010, công dân Trung Quốc Hoàng Quang Nhuệ đã viết: nếu một người Trung Quốc vẫn còn xa lạ đối với tên gọi “đường chín đoạn” thì đừng nên xa lạ với tấm bản đồ này nữa, bởi đây chính là cách mà Trung Quốc thể hiện cụ thể chủ quyền cố hữu không thể tranh cãi về các đảo ở Nam Hải (tức biển Đông) mà chính phủ đã kiên trì tuyên truyền từ xưa đến nay. Song, chính phủ lại giấu kín bưng nguồn gốc của đường chín đoạn này. Cho đến nay không phải người Trung Quốc nào cũng biết được nguồn gốc thật của nó.

Thực tế đã cho thấy rõ đường chín đoạn không có chứng cứ chắc chắn cả về mặt luật pháp lẫn lịch sử, nó cũng chưa bao giờ được xuất hiện là đường biên giới của Trung Quốc từ xưa đến nay. Nhiều người Trung Quốc đã bị nhồi nhét vào đầu luận điệu đường chín đoạn là bằng chứng cụ thể về chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, và cần kiên quyết bảo vệ nó!

Trước tiên, đường biên giới của một nước cần phải là một đường vẽ liên tục vì đó là một nguyên tắc cơ bản mà thế giới thường dùng để vẽ bản đồ. Song đường chín đoạn đã bị phân thành chín đoạn, rồi thì bản chất của nó cũng chỉ là một đường đứt đoạn. Như vậy, ngay cả tính có thể trở thành đường biên giới cho Trung Quốc của đường chín đoạn này đã bị bác bỏ ngay tận gốc.

Chỉ là “đường chủ trương”

Nói một cách khác, đường chín đoạn chỉ gọi là “đường chủ trương”, vì nó cho thấy chủ trương của Chính phủ Trung Quốc là muốn gộp các đảo và các vùng biển ở biển Đông để vẽ vào lãnh thổ của mình. Đường chín đoạn từ xưa đến nay chưa bao giờ và cũng không thể là đường cương giới thực tế của Trung Quốc.

Do đó, không thể vì sự có mặt của nó trên đời này mà nói rằng các vùng lãnh hải và các đảo bị nó bao trọn là lãnh thổ của Trung Quốc, càng không thể yêu cầu các nước khác tôn trọng cái gọi là “đường biên cương” vốn dĩ chưa bao giờ tồn tại này.

Việc Trung Quốc giải thích đường chín đoạn là “đường biên cương” của mình là hoàn toàn đi ngược với quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà Trung Quốc đã ký với các nước vào năm 1982. Nếu cứ kiên trì theo đuổi đường chín đoạn thì chính Trung Quốc đã tự mâu thuẫn với chính mình về mặt pháp lý.

Nhiều năm qua, Trung Quốc ngoài chuyện ra rả nói “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa...” thì Bắc Kinh chưa bao giờ dám lấy luật pháp quốc tế về luật biển để chứng minh tuyên bố này của mình là đúng.

Do đó, về mặt pháp lý đường chín đoạn đã bị giáng một đòn mạnh, còn về mặt thực tiễn thì nó chỉ như con bù nhìn. Nói ngược nói xuôi thì Trung Quốc đã tự mâu thuẫn với chính mình mấy chục năm và đã tự biến mình thành trò cười cho quốc tế. Với hai từ “chủ quyền” mà Trung Quốc hay dùng trong tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có tra khảo hết lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc cũng khó tìm ra văn thư nào có hai chữ “chủ quyền”. Khái niệm “chủ quyền” là của người phương Tây, Trung Quốc cổ đại làm gì có khái niệm này.

Nếu theo nguyên tắc địa lý “khoảng cách gần và thềm lục địa kéo dài” thì Trung Quốc thậm chí một phần nhỏ ở biển Đông cũng không có. Còn nếu xét về nguyên tắc nước “chiếm đảo” trước tiên là nước có lợi thì Trung Quốc cũng không có được gì vì chính Bắc Kinh đã xem thường nguyên tắc này trong mấy chục năm qua.

Như vậy, nếu xét tổng thể thì chính Trung Quốc đang gặp bất lợi, còn các nước Đông Nam Á là bên được lợi. Trung Quốc đã thiếu rất nhiều chứng cứ từ thực tiễn đến pháp lý theo luật biển quốc tế hiện đại. Nếu xảy ra chiến tranh ở khu vực quần đảo Trường Sa, toàn thế giới chắc chỉ có chừng 1,3 tỉ người cho rằng Trung Quốc không phải là kẻ xâm lược.

Con số 85%

Không chỉ người Trung Quốc tự nhận ra mình đang “xấu” đi trong mắt bạn bè quốc tế, mà gần 85% người Nhật cũng cho rằng người Trung Quốc là kẻ “xấu” khi tranh chấp quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông. Kết quả khảo sát này do tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản Genron NPO và Nhật Báo Trung Quốc công bố từ ngày 20-6.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 23-7, khi đề cập đến kết quả khảo sát này, cũng nhìn nhận khủng hoảng lòng tin sẽ làm mối quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng xấu đi.

Theo Mỹ Loan
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại