Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng

TP - Theo bản báo cáo công tác của chính phủ mà Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đọc trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa 12 khai mạc ngày 5-3, năm nay nước này sẽ tăng 10,7% ngân sách quốc phòng lên 720,2 tỷ nhân dân tệ (115,7 tỷ USD).

> Ngân sách quốc phòng TQ tăng lên 115 tỷ USD

Nhiều năm nay, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đều tăng ở mức hai con số. Theo các nhà quan sát, ngân sách thực tế còn cao hơn nhiều, dù vẫn thấp hơn của Mỹ. Chi phí dành cho quốc phòng của Trung Quốc luôn được Mỹ và các nước láng giềng rất chú ý trong bối cảnh Bắc Kinh đang dính đến nhiều vụ tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia xung quanh.

Theo hãng nghiên cứu Mỹ IHS, Trung Quốc có thể chi 238,2 tỷ USD cho quốc phòng năm 2015, vượt tổng ngân sách quốc phòng của 12 nước lớn trong khu vực, gần gấp bốn lần ngân sách quốc phòng của Nhật Bản - nước đứng thứ hai về chi tiêu quốc phòng trong khu vực.

Các nhà phân tích của IHS cho rằng, chính sách “trọng tâm châu Á” của Mỹ, một số vấn đề an ninh lâu đời liên quan lãnh thổ, tài nguyên biển… góp phần khiến Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng.

Trả lời phỏng vấn China Daily ngày 5-3, nhà nghiên cứu quân sự cao cấp Chen Zhou, người tham gia viết Sách trắng Quốc phòng của Trung Quốc và là đại biểu tham dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12, nói rằng, tuy ngân sách quốc phòng năm 2013 tăng 10,7% so với năm 2012, nhưng hai năm trước đó giảm tương ứng 11,2% và 12,7%.

Theo ông Chen, ngân sách quốc phòng tăng nhưng phải đảm bảo tuân thủ hai nguyên tắc “phù hợp nhu cầu quốc phòng” và “phù hợp sự phát triển của kinh tế quốc dân”.

Đảm bảo sinh kế, chống tham nhũng

Trong bản báo cáo dài 29 trang đọc trước Quốc hội hôm qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo hứa sẽ nỗ lực bảo đảm tăng trưởng ổn định, chống tham nhũng, xây dựng cơ chế phân chia của cải xã hội công bằng hơn… Theo đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 7,5%, không thay đổi so với năm ngoái, tỷ lệ lạm phát là 3,5%, số việc làm mới ở khu vực thành thị là hơn 9 triệu, tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị là dưới 4,6%.

Hơn 2.000 tân binh Hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc tham gia diễu binh hôm 4-3, một số sẽ phục vụ trên tàu sân bay đầu tiên của nước này sau ba tháng huấn luyện. Ảnh: China Daily.

Mục tiêu thâm hụt ngân sách đặt ra cho năm 2013 là 1.200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 191 tỷ USD), cao hơn 400 tỷ nhân dân tệ so với năm 2012.

Theo báo cáo, cần tăng hợp lý mức thâm hụt ngân sách và nợ công do các đợt giảm thuế trước đây khiến nguồn thu khó có thể tăng nhanh, trong khi chi tiêu công sẽ tăng trong năm nay.

Tăng chi tiêu để duy trì hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân… Ông Ôn Gia Bảo nói rằng, việc thúc đẩy tiêu thụ nội địa là yếu tố cốt lõi, và gọi đây là “chiến lược lâu dài của phát triển kinh tế”.

Thủ tướng Trung Quốc sắp mãn nhiệm nhấn mạnh, những thay đổi mạnh mẽ trong xã hội đã gây ra nhiều vấn đề nổi cộm, trong đó các vấn đề liên quan sinh kế cần được coi trọng.

“Chúng ta phải coi việc bảo đảm và cải thiện đời sống của người dân là điểm khởi đầu và cũng là mục tiêu của mọi công việc của chính phủ, đặt ưu tiên hàng đầu cho điều đó và nỗ lực thúc đẩy phát triển xã hội”, ông Ôn Gia Bảo nói.

Ông nhấn mạnh việc tăng lương hưu cho người nghèo và tập trung giải quyết những tác động tiêu cực của quá trình phát triển lên môi trường. “Tình trạng môi trường sinh thái ảnh hưởng đời sống của người dân cũng như hậu thế và tương lai đất nước”, ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh.

Vấn đề tham nhũng cũng được đặt lên bàn nghị sự. Ông Ôn Gia Bảo kêu gọi đẩy mạnh sự liêm chính và cơ chế kiểm tra quyền lực. “Chúng ta cần bảo đảm rằng, quyền ra quyết định, thực thi và giám sát, kiềm chế lẫn nhau cùng hoạt động nhịp nhàng”.

Kể từ khi đảm nhận cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, người được dự đoán được bầu làm Chủ tịch nước trong kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều lần nhấn mạnh nhu cầu phải chống tham nhũng ở tất cả các cấp, và cảnh báo sẽ xảy ra bất ổn chính trị nếu không dẹp bỏ đặc quyền đặc lợi của Đảng.

Trong kỳ họp kéo dài hai tuần này, gần 3.000 đại biểu quốc hội, các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, gồm Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Chủ tịch Chính hiệp Giả Khánh Lâm… sẽ thông qua kế hoạch cấu trúc lại các cơ quan chính phủ; sửa đổi một số chính sách lâu đời về quân sự, sự độc quyền của một số doanh nghiệp nhà nước, tự do cá nhân…

Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường, người được dự đoán chắc chắn sẽ thay thế ông Ôn Gia Bảo, sẽ phát biểu trong cuộc họp báo vào cuối kỳ họp.

Theo các nhà phân tích, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc chắc chắn sẽ đối mặt áp lực lớn hơn từ các diễn đàn, mạng xã hội để giải quyết những vấn đề dư luận quan tâm.

Trước khi khai mạc kỳ họp, báo chí Trung Quốc đã phản ánh nguyện vọng của người dân trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội là kêu gọi các nhà lãnh đạo chống tham nhũng, cải cách giáo dục, tăng cường đầu tư cho y tế, bảo vệ môi trường, giải quyết bất bình đẳng…

Bình Giang
Theo BBC, Xinhua, China Daily, AP

Theo Báo giấy