Trung Quốc: Loại bỏ quan tham trong giới thư họa

TP - Không cho phép đám sâu mọt tham nhũng chui vào làng nghệ thuật thư họa tao nhã. Ngày 6/4 vừa qua, báo chí Trung Quốc đưa tin: Hiệp hội thư pháp gia Trung Quốc (gọi tắt là Thư Hiệp) đã quyết định khai trừ 6 hội viên, đình chỉ tư cách hội viên của 12 người khác.
Trần Thiệu Cơ, quan quan tham vừa bị Thư Hiệp Trung Quốc khai trừ.

Những bức thư họa giá vạn tệ

6 người bị Thư Hiệp khai trừ đều là các quan chức cấp cao đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị ra tòa vì tham nhũng. Điển hình là Trần Thiệu Cơ, nguyên UVTW dự khuyết Khóa 16, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội nghị Chính Hiệp tỉnh Quảng Đông năm 2010 đã bị kết án tử hình hoãn thi hành 2 năm vì nhận hối lộ 29,6 triệu NDT (104 tỷ VND). Cơ còn nổi tiếng bởi đề xuất trước quốc hội việc khôi phục môn học Thư pháp trong trường tiểu học. Các tác phẩm của ông ta đem bán đấu giá thường khởi điểm từ 2.000 đến 12.000 tệ (7 triệu – 42 triệu VNĐ). Đặc biệt bức “Kính tâm” của Cơ được bán với giá 67.200 tệ (235 triệu VND) tại cuộc bán đấu giá Mùa đông 2008 ở Quảng Châu.

Người thứ hai là Vương Hữu Kiệt, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Hà Nam bị kết án tử hình hoãn thi hành năm 2007 vì nhận hối lộ và có tài sản bất minh khổng lồ. Kiệt từng được gọi là người “thâm canh bút không biết mệt”, từng xuất bản sách ảnh “Vương Hữu Kiệt thư pháp tập”. Khi Kiệt tại chức, giá thư pháp của ông ta được tính bằng đơn vị ngàn tệ theo mét, nhưng sau khi Kiệt ngã ngựa, tác phẩm được bán đấu giá qua mạng khởi điểm chỉ 30 tệ mà chẳng ai ngó đến.

12 người bị đình chỉ tư cách hội viên đều là các quan chức đang bị điều tra vì có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, pháp luật. Điển hình là Uông Lương, nguyên Giám đốc Đài phát thanh Bắc Kinh bị ngã ngựa thang 7/2015, từng là Phó chủ tịch Thư Hiệp Bắc Kinh, có mấy bức thư pháp được cựu TTK Liên Hợp Quốc Koffi Anan sưu tập. Dư Viễn Huy, ủy viên thường vụ Khu ủy Quảng Tây, Bí thư thành ủy Nam Ninh bị bắt năm 2015 vì nhận hối lộ, cũng nổi tiếng là nhà thư pháp có chữ đề mọi chốn, treo khắp nơi. Sau khi Huy bị bắt, chữ ông ta đề ở các nơi đều bị xóa, tranh chữ thì bị xé bỏ…

Tranh chữ của quan tham xấu nhưng đắt giá.

Mượn danh kiếm tiền

Các quan chức Đại Lục rất nhiều người thích nghệ thuật thư pháp, đi đâu cũng vung bút đề từ viết chữ để “lưu danh thiên cổ”; vì vậy họ lũ lượt kéo nhau vào các hiệp hội thư pháp. Hồi tháng 12/2014, ông Chu Nhất Ba, Chủ tịch Thư Hiệp tỉnh Thiểm Tây đã viết bài trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc  có Đoàn chủ tịch lên tới 162 vị, riêng Phó chủ tịch đã có 34 vị, phần lớn là quan chức, ai chức vụ cao hơn, người đó làm Chủ tịch hội, chẳng quan tâm hay đếm xỉa đến thành tựu nghệ thuật.

Đoàn thanh tra của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (UBKTKLTW) đã chỉ ra hiện tượng “quan chức học đòi làm sang, tồn tại vấn đề hủ bại”. Ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư UBKTKLTW từng nổi giận lôi đình tại Hội nghị lần thứ 5 Ban thường vụ UBKTKLTW: “Có lãnh đạo viết Khải thư (chữ thường) còn chưa xong, cũng đòi hành Thảo (viết thư pháp kiểu bay bướm), lại còn dám mang tặng người khác”.

Ông Bành Lợi Minh, Phó chủ tịch Thư Hiệp Bắc Kinh cho rằng: “Quyền lực và nghệ thuật vốn dĩ tách rời nhau, không nên có quan hệ với nhau. Những người như thế phải bị loại bỏ, trả lại sự trong sạch cho vùng đất nghệ thuật; những kẻ dựa quyền hành mưu lợi riêng, thậm chí mượn nghệ thuật để giao dịch quyền – tiền phải bị pháp luật trừng phạt”.

Từ đầu năm 2015, lãnh đạo các địa phương bắt đầu bị thanh lọc khỏi các hội nghệ thuật như thư pháp, nhiếp ảnh… Tỉnh ủy Thiểm Tây đã tiến hành chỉnh đốn, loại bỏ 8 cán bộ lãnh đạo tỉnh giữ các chức chủ tịch, phó chủ tịch Thư Hiệp tỉnh nhưng vẫn còn tới…27 phó chủ tịch. Theo Nhân dân Nhật báo, hơn 10 tỉnh, thành như Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Bắc, Hải Nam, Phúc Kiến…đều có hiện tượng quan chức đảng, chính quyền kiêm chức lãnh đạo Thư Hiệp, 15 vị bị nêu đích danh, đến nay vẫn còn 9 người vẫn đang kiêm chức.  

Một số quan tham mượn danh nhà thư pháp để tiện cho việc nhận hối lộ. Nguyên Phó tỉnh trưởng Giang Tây Hồ Trường Thanh khi tại chức đã biến cây bút lông trong tay thành “Cây bút biết kiếm tiền”. Ông ta công khai bán chữ, có bức đòi “nhuận bút” 90.000 tệ (315 triệu VND). Trong số mấy triệu tệ ông ta nhận hối lộ, có không ít là nhận dưới dạng “trả nhuận bút”. Cá biệt có bức thư pháp của Thanh đem bán đấu giá thu được 60 ngàn tệ (210 triệu VND), bị báo chí ví von là “hiệu quả hơn máy in tiền”.

Tần Ngọc Hải, nguyên Bí thư, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam bị quật ngã hôm 21/9/2014 khi bị bắt đang kiêm chức Ủy viên Hiệp hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Trung Quốc, Chủ tịch danh dự Hội NSNA tỉnh, đã có hơn 10 tác phẩm được giải trong các cuộc thi ảnh trong nước, từng được Giải Kim Tượng cao nhất của hội. Bộ đồ nghề trị giá hàng triệu tệ của Hải đều do doanh nghiệp tài trợ.

“Nhã hối” - tham nhũng kiểu mới

Trong thực tế, không chỉ giới thư pháp mà toàn bộ giới nghệ thuật cũng đều như thế. Phía sau là cả một nhu cầu to lớn về nạn “nhã hối”: những người đưa hối lộ để lấy lòng các quan tham học đòi làm sang đã đổi từ kiểu đưa hối lộ truyền thống biếu vàng bạc, tiền mặt, cổ phiếu, xe hơi, nhà lầu…chuyển sang biếu tặng đồ cổ, ngọc khí, thư họa. So với kiểu “tục hối” đưa tiền, vàng, đồ vật, thứ “nhã hối” này rất kín đáo, nhưng nguy hại càng lớn, trực tiếp gây tổn hại cho sự phát triển của nền nghệ thuật Trung Quốc.

Thực ra, UBKTKLTW Trung Quốc đã sớm có quy định: Quan chức không được nhận biếu đồ cổ, thư họa, không được nhận các khoản “nhuận bút”. Trong khi đó, việc kê khai tài sản của công chức lại không bao gồm tác phẩm thư họa, nghệ thuật, để lại lỗ hổng rất lớn cho tham nhũng.

Theo Theo Sina.com, Thanh niên TQ