Trung Quốc dùng ‘quân bài’ Iran với Mỹ

TPO - Đầu tháng này, Iran thông báo đang đàm phán một thoả thuận kéo dài 25 năm với Trung Quốc trong các lĩnh vực thương mại, năng lượng, hạ tầng, viễn thông và cả quân sự. 
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng cấp Iran Javad Zarif trong cuộc gặp tại Bắc Kinh vào tháng 1 năm nay. (Ảnh: Xinhua)

Đối với Iran, triển vọng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc xuất hiện vào thời điểm quan trọng, khi Tehan đang đối mặt với nhiều áp lực của dư luận trong nước vì nền kinh tế tụt dốc do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và nay là  đại dịch COVID-19. 

Hàng loạt vụ nổ trên khắp cả nước xảy ra gần đây càng làm gia tăng cảm giác chế độ đang bị bao vây.

Vì thế, việc ký thoả thuận lớn với Trung Quốc được chính phủ Iran hoan nghênh, và đây có thể là cách giúp nước này có thêm thời gian duy trì hiện trạng cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 ngã ngũ.

Kết quả cuộc bầu cử đó sẽ quyết định phương hướng cho quan hệ Mỹ - Iran cũng như số phận thoả thuận hạt nhân Iran năm 2015, và cũng sẽ ảnh hưởng đến chính cuộc bầu cử tổng thống của Iran vào tháng 6/2021. 

Để chắc chắn, người Iran trong suốt chiều dài lịch sử chưa bao giờ quá thân với bất kỳ cường quốc nào, và họ càng ít sẵn sàng chấp nhận sự giám hộ về kinh tế. 

Khi quan hệ giữa Iran với Trung Quốc cũng gây tranh cãi trong nước, có thể quốc hội Iran sẽ không phê chuẩn thoả thuận trừ khi nó được sửa đổi để giải quyết những vấn đề quan ngại. 

Tuy nhiên, nền kinh tế Iran rơi tự do từ năm 2018, khi chính quyền Trump rút khỏi thoả thuận hạt nhân và triển khai chiến dịch gây sức ép tối đa nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Iran. 

Hơn nữa, chính quyền Iran về tổng thể đang chịu nhiều sức ép dư luận, khiến chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani vấp phải nhiều áp lực nội bộ.

Việc thông báo về thoả thuận với Trung Quốc giúp chính phủ của Tổng thống Rouhani thể hiện rằng họ không đặt hết trứng vào giỏ của phương Tây. Thông điệp gửi đến người dân Iran là họ không bị cô lập, và thậm chí còn cải thiện được kinh tế dù bị Mỹ trừng phạt. 

Ở cấp độ quốc tế, Iran luôn tìm cách cân bằng quan hệ với các nước lớn. Trong thập kỷ qua, để đối phó với những sức ép ngoại giao và kinh tế của Mỹ, Iran trông sang Nga về quân sự, trông sang Trung Quốc về kinh tế, và chính phủ của ông Rouhani cũng nỗ lực thuyết phục châu Âu. 

Giờ đây, khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, Iran đang trông sang Trung Quốc để vực dậy nền kinh tế và cân bằng với Mỹ. Quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc giúp Iran có thế mặc cả tốt hơn trong các cuộc đàm phán tương lai với Mỹ và châu Âu về việc sửa đổi hoặc khôi phục thoả thuận hạt nhân, cũng như trong thoả thuận với các đối thủ khu vực như Ả-rập Xê-út và UAE. 

Bài toán lợi ích
Quan hệ đối tác chiến lược với Iran có thể là bãi mìn với Trung Quốc. Tiếp tục trao đổi thương mại với Iran và đầu tư vào hạ tầng của nước này, cách Trung Quốc làm sâu sắc hơn quan hệ với Iran sẽ càng khiến Mỹ ngứa ngáy khi quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở giai đoạn bước ngoặt. 

Với việc tự phơi mình trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc có nguy cơ đánh mất cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ (lớn hơn nhiều so với Iran). Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi giới chức Trung Quốc tương đối im lặng về các cuộc đàm phán với Iran hơn là phía Tehran. 

Tương tự, Trung Quốc không muốn gây thất vọng cho các đối tác khu vực là Israel và Ả-rập Xê-út, hai nước đối thủ của Iran ở khu vực. 

Tuy nhiên, Trung Quốc rõ ràng nhìn thấy một số giá trị khi thúc đẩy quan hệ toàn diện với Iran – một quốc gia quan trọng ở khu vực với những nguồn lực lớn về kinh tế và tài nguyên, có thể trở thành ứng viên tự nhiên cho sáng kiến Vành đai Con đường mà Trung Quốc đang thúc đẩy. 

Trung Quốc đã được mua dầu hạ giá và trở thành một đối tác thương mại chủ chốt của Iran, trong đó có việc trở thành nhà cung cấp chính các loại máy móc hạng nặng và hàng hoá. 

Ở tầm tộng hơn, Trung Quốc đang quan tâm nhiều hơn đến khu vực Tây Á. Bắc Kinh trở thành nhà tài trợ chính của Tổ chức hợp tác Thượng Hải ở khu vực và đã đầu tư tới 57 tỷ USD vào Pakistan. 

Khi Mỹ chuẩn bị rút khỏi Afghanistan, quan hệ đối tác với Iran sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát cả một hành lang chiến lược từ Trung Á đến biển Ả-rập. 

Trong nỗ lực đó, Trung Quốc có thể giành được quyền kiểm soát cảng Chabahar của Iran mà đối thủ của Trung Quốc là Ấn Độ đang muốn vào để cạnh tranh với cảng Gwador mà Bắc kinh đầu tư ở Pakistan. Cảng Chahbahar có thể giúp Ấn Độ phá vỡ thương mại của đối thủ Pakistan với Trung Á. 

Dù cảng Chabahar quan trọng như vậy, các biện pháp trừng phạt của Mỹ ngăn Ấn Độ vào đây và khiến Iran giận dữ. 

Iran được cho là đã đẩy Ấn Độ khỏi một dự án đường sắt đi qua Pakistan để kết nối với Afghanistan và Trung Á. Thông tin đó xuất hiện ngay sau khi Trung Quốc và Iran thông báo về thoả thuận sơ bộ. 

Vụ đụng độ chết người trên biên giới Trung - Ấn hồi tháng 6 cho thấy Trung Quốc chú ý đến dấu chân của mình ở Tây Á như thế nào.

Ngoài việc mở cửa cho Trung Quốc kiểm soát cảng Chahbahar và độc quyền hoá các tuyến thương mại vào Trung Á, thoả thuận với Iran có vẻ còn tạo cơ hội cho Bắc Kinh phát triển nhưng cơ sở hải quân trên Vịnh Oman. Dù Mỹ lâu nay muốn chuyển trọng tâm khỏi Trung Đông để tập trung hơn vào Trung Quốc, thoả thuận Trung Quốc – Iran có thể là lời nhắc nhở với Mỹ rằng hai khu vực không thể tách biệt nhau

Theo GS Vali Nasr, nhà nghiên cứu về Trung Đông và quan hệ quốc tế tại ĐH Johns Hopkins, Mỹ, bằng cách gây sức ép lên cả Trung Quốc và Iran, Mỹ đang khuyến khích hai nước này lập ra mặt trận chung. Dù quan hệ Trung Quốc – Iran được đánh giá là còn xa mới tạo nên một trục mới, nhưng những cuộc đàm phán gần đây cho thấy khả năng đó có thể xảy ra. 

Theo Theo CNA