Tàu khảo sát địa chấn Shiyan 6 rời cảng Quảng Châu từ ngày 6/9 để thực hiện “những nhiệm vụ khoa học quan trọng” ở cửa sông Châu Giang ở tỉnh Quảng Đông và phần phía bắc của Biển Đông, nhật báo Khoa học Công nghệ của Trung Quốc đưa tin.
Nhóm do nhà nghiên cứu Du Yan của Viện nghiên cứu Nam Hải thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, sẽ nghiên cứu thuỷ động lực học, các quá trình vận chuyển vật chất và phản ứng sinh thái ở khu vực biển gần Vùng Vịnh lớn Quảng Đông – Hong Kong – Macau và khúc sông Châu Giang gần đó, CGTN đưa tin.
Tàu Shiyan 6 được chế tạo từ tháng 11/2018 và được nói là con tàu nghiên cứu tầm trung hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay. Các phòng thí nghiệm trên tàu cho phép thực hiện những nghiên cứu xử lý, phân tích mẫu và gửi dữ liệu về đại lục thông qua vệ tinh.
Tháng 6 năm nay, Việt Nam lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đưa tàu nghiên cứu Đại học Trung Sơn xuống quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong tháng 10 tới mà Trung Quốc nói là để nghiên cứu các dòng hải lưu.
Việt Nam tuyên bố những hoạt động như vậy diễn ra trong khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp.
Con tàu được báo chí Trung Quốc gọi là “nhân tố chính trong hạm đội nghiên cứu khoa học của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển lân cận”, và việc hạ thuỷ con tàu sẽ nâng cao năng lực của Trung Quốc trong khai thác các tài nguyên biển, dầu khí, khoáng sản và tài nguyên di truyền để “bảo vệ an ninh quốc gia cũng như các quyền và lợi ích của Trung Quốc”, CGTN viết.
Với mức đầu tư lên đến 500 triệu tệ (77 triệu USD), con tàu này đủ chỗ cho đoàn 60 người, có lượng giãn nước 3.990 tấn, có thể hoạt động 60 ngày liên tục trên biển và đi xa tới 12.000 hải lý.
Nó cũng có thể thực hiện các nghiên cứu ngoài khơi và trong vùng biển gần các đảo đá và rạn san hô trên Biển Đông, có thể thu thập dữ liệu về địa hình, địa mạo, hải lưu và quần xã sinh vật trong những môi trường khắc nghiệt như rãnh sâu dưới đáy biển.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu biển, như một phần của nỗ lực “đại hồi sinh” quốc gia.
Tháng 3 năm nay, một công ty liên kết với Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc ký thoả thuận với Viện công nghệ không người lái thông minh Quảng Đông để chế tạo “tàu nghiên cứu khoa học biển tích hợp hiện đại nhất của Trung Quốc”.
Tháng 7 vừa qua, Trung Quốc bắt đầu chế tạo tàu khoa học không người lái để đưa các thiết bị không người lái thực hiện những hoạt động khảo sát trên không, trên mặt biển và dưới nước điều khiển từ xa. China Ship News nói rằng loại tàu này sẽ trở thành “nhân tố thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực khảo sát biển”.
Dù Bắc Kinh khẳng định những hoạt động nghiên cứu đó là để phục vụ mục đích cộng đồng, nhưng các hoạt động nghiên cứu biển mà nước này tiến hành trên Biển Đông bị nhiều quốc gia hoài nghi. Trung Quốc có yêu sách phi lý với 90% diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Năm 2019, Trung Quốc thậm chí ngang ngược khi điều tàu nghiên cứu Haiyang Dizhi 8 cùng các tàu hộ tống tiến vào khu vực bãi Tư Chính, vi phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.