Trung Quốc đau đầu với 'công trình thế kỷ'

TP - Đợt hạn hán tồi tệ nhất Trung Quốc trong nửa thế kỷ lại đây đã dẫn đến việc khuấy lại các tranh cãi dai dẳng về Tam Hiệp, con đập thủy điện lớn nhất thế giới được xây dựng trên sông Dương Tử. Chính phủ Trung Quốc phải thừa nhận đã phạm một số sai lầm trong xây dựng công trình.

> Đập Tam Hiệp - thảm họa môi trường
> Trung Quốc: Rác đe dọa đập Tam Hiệp 

Báo Washington Post vừa đăng bài, trích dẫn một số ý kiến của hai nhà nghiên cứu Trương Kiệt và Vương Quân.

Chính quyền thừa nhận sai lầm

Việc thiếu nước nghiêm trọng ở các tỉnh phía nam Trung Quốc nằm dọc sông Dương Tử đã làm các hồ chứa nước cạn khô, sản xuất nông nghiệp ở nhiều vùng ngưng trệ, người dân và gia súc, gia cầm thiếu nước sinh hoạt.

Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn trong vài tuần qua khiến dư luận có lý do đổ dồn sự chú ý về con đập Tam Hiệp. Người ta cho rằng công trình, hoàn thành năm 2006, không chỉ gây thiếu nước mà còn là thủ phạm của những vụ động đất trong vài năm nay, nạn ô nhiễm môi trường, khiến đời sống của 1,4 triệu người buộc phải di dời lâm vào khốn khó.

“Nhiều năm rồi, chúng tôi đã kiến nghị những điều này nhưng không nhận được phản hồi nào. Nay vấn đề đã nghiêm trọng đến mức chính phủ không thể tiếp tục che đậy thêm được nữa”, Đại Tình, một nhà hoạt động môi trường nói.

Trong hai tuần gần đây, chính phủ Trung Quốc có một cử chỉ hiếm thấy: Thừa nhận đã có sai lầm trong khâu thực hiện dự án Tam Hiệp. Đáng kể nhất là hồi tháng trước, Quốc vụ viện, đứng đầu là Thủ tướng Ôn Gia Bảo, thừa nhận “những vấn đề cấp bách”, trong một thông cáo nhằm đối phó với sự giận dữ của công chúng. Nhưng chính phủ Trung Quốc chỉ đề cập các vấn đề lở đất, ô nhiễm, tái định cư và một số vấn đề khác. Hoàn toàn không nói gì về chuyện hạn hán.

Thay vào đó, trong những tuần rồi, chính phủ Trung Quốc “phản đòn” công luận bằng việc cho chạy các bài báo trên truyền thông nhà nước, trích dẫn ý kiến các chuyên gia của chính phủ khẳng định rằng: “Không có bằng chứng cho thấy đập (Tam Hiệp) gây ra hạn hán”.

Các chuyên gia độc lập nói, điều không thể chối cãi là con đập khổng lồ đã chặn đứng dòng nước của con sông lớn Dương Tử (còn được gọi là Trường Giang- con sông dài) và khiến vấn đề trở nên rất nghiêm trọng.

“Đập Tam Hiệp gây ra hạn hán, nhưng nó không phải là thủ phạm duy nhất”, Lưu Thục Côn, đến từ Viện Nghiên cứu tài nguyên nước và thủy lợi, nói. Theo ông, tình trạng thiếu nước là kết quả của rất nhiều tác nhân, trong đó có yếu tố tự nhiên (thiếu nước do không có mưa). Nhưng kể từ khi con đập được đưa vào vận hành, lượng nước dư thừa trước đây chảy về xuôi đã bị chặn lại, khiến các hồ lớn như Động Đình, Phàn Dương ngày càng teo tóp.

Đập Tam Hiệp gây động đất?

Trong khi nhiều chỉ trích cũ được nêu lại, đã xuất hiện những cáo buộc mới. Một số người bắt đầu liên hệ đập Tam Hiệp với những trận động đất xảy ra gần đây ở Trung Quốc. Trên các trang mạng, diễn đàn, đã có nhiều ý kiến cho rằng trận động đất kinh hoàng ở tỉnh Tứ Xuyên năm 2008 có mối liên hệ với việc xây đập Tam Hiệp. Thậm chí các tờ báo địa phương, vốn thường rất cẩn trọng về việc chỉ trích chính phủ một cách trực tiếp, cũng đã cho chạy những bài phỏng vấn các khoa học gia, bàn luận khá cởi mở về tác động địa chất mà con đập gây ra.

Những nghi vấn trên càng được củng cố khi thứ tư tuần trước, một nghiên cứu của những nhà khoa học đang làm việc cho chính phủ được công bố, cho thấy các rung lắc địa chấn ở một số vùng đã tăng cường độ lên 30 lần kể từ khi con đập được xây dựng.

Dù mấy ngày này vùng phía nam Trung Quốc đã có mưa, thậm chí gây ra lụt lội thì vấn đề của đập Tam Hiệp vẫn đang được bàn luận sôi nổi tại nước này.

Theo Báo giấy