Trung Quốc: Cuộc chiến “diệt ruồi” đã đi tới đâu?

TP - Báo chí  Trung Quốc ngày 26/5 đưa tin về việc xử nghiêm một quan chức ở tỉnh Hồ Nam mỗi lần tham nhũng 0,27 nhân dân tệ (tương đương 1.000 đồng), nhưng tổng số tiền tham nhũng lên tới 770.000 nhân dân tệ (hơn 2,5 tỷ đồng).
Ảnh: AFP

Khoảng 1,2 triệu quan chức Trung Quốc đã bị xử lý từ khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng mang tên “ Đả hổ, diệt ruồi”. Ông tuyên bố, tham nhũng đang đe dọa sự sống còn của Đảng Cộng sản Trung Quốc nên cuộc chiến chống tham nhũng sẽ được triển khai sâu rộng và sẽ trừng phạt bất kỳ đối tượng tham nhũng nào, từ những quan chức trung ương đến nhân viên ở địa phương.

Theo tạp chí The Diplomat, dù chiến dịch đã thành công trong việc thanh trừng các “hổ lớn” như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu... nhưng cuộc chiến “diệt ruồi” mới thực sự quyết định sự thành bại về lâu dài. Bởi lẽ quan chức cấp thấp mới là lực lượng đông đảo, có ảnh hưởng trực tiếp tới dân nghèo. Nếu không nghiêm trị những thành phần này, trọng tâm trong chiến dịch “Đả hổ, diệt ruồi” là cải thiện hình ảnh của đảng khó đạt được.

Vụ tham nhũng của Trần Cương, quan chức tài chính ở Hồ Nam, có lẽ là điển hình của tham nhũng nhỏ trong tổng số hơn 8.000 quan chức cấp thấp ở tỉnh này đã bị xử lý. Trần Cương là phó giám đốc phụ trách tài chính tại Đào Giang, một thị trấn nhỏ tại tỉnh Hồ Nam. Bằng thủ đoạn tinh vi, Cương đã xà xẻo được tổng cộng 770.000 nhân dân tệ từ khoản trợ cấp ít ỏi dành cho nông dân địa phương. Trần nghĩ rằng, số tiền cho mỗi cá nhân quá nhỏ để thông báo và bị phát hiện.

Theo báo Trung Quốc Nhân dân nhật báo, hành vi tham nhũng của Trần Cương được phát hiện trong một chiến dịch chống tham nhũng của tỉnh từ tháng 3/2016. Khi bắt đầu chiến dịch này ở tỉnh, họ nhận được hơn 10.000 lời tố cáo của công chúng và  tiến hành điều tra 5.675 vụ. Báo chí Trung Quốc không nêu rõ vụ tham nhũng của Trần Cương bị lôi ra ánh sáng như thế nào, nhưng cách quan tham này xà xẻo tiền của dân đã được tiết lộ phần nào.

Cương đã mượn chứng minh thư của hai người bạn để mở hai tài khoản ngân hàng dưới danh nghĩa của họ. Sau đó, Cương đưa họ vào danh sách những người đủ điều kiện nhận trợ cấp nông nghiệp và mỗi lần chuyển một lượng nhỏ tiền (thường  dưới một nhân dân tệ) vào hai tài khoản. Các khoản tiền ăn bớt của dân nghèo, Cương đều chuyển vào hai tài khoản đó và biến thành của mình.

Từ  năm 2014, Cương đã nhằm vào 155 gia đình trong tổng số 22.000 hộ đủ điều kiện nhận trợ cấp. Nếu mỗi người được nhận trợ cấp 9,72 nhân dân tệ (khoảng 33.000 đồng) thì Cương chỉ trả 9,45 nhân dân tệ (tức là xà xẻo 0,27 nhân dân tệ, chưa tới 1.000 đồng). Cương đã ăn bớt tổng cộng 770.000 nhân dân tệ.

Qua hơn một năm điều tra vụ việc này, các cán bộ của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật địa phương mới tá hỏa nhận ra rằng, các tổ chức ở thôn, làng gần như bị tê liệt, hoạt động quản lý tài chính vô cùng lỏng lẻo. Tất cả chi tiêu đều do một mình cán bộ thôn thực hiện và thiếu sự giám sát tài chính. Cùng với Trần Cương, hàng loạt quan chức địa phương cũng bị phát hiện và xử lý vì đã xà xẻo tiền của dân dưới nhiều hình thức như thay đổi các khoản chi tiêu, rút ruột dự án phát triển, ép dân quyên góp từ thiện…