Tên lửa dài 5m có thể bay nhanh hơn tốc độ âm thanh 2,5 lần ở độ cao khoảng 10.000m, tương đương tầm bay của máy bay thương mại. Tên lửa có thể vượt qua quãng đường 200km, sau đó lặn xuống nước và lướt qua những con sóng trong khoảng 20km.
Khi còn cách mục tiêu khoảng 10km, tên lửa sẽ hoạt động giống như ngư lôi, di chuyển với tốc độ 100m/s.
Tên lửa cũng có thể thay đổi đường đi nếu muốn hoặc lặn xuống độ sâu 100m để tránh hệ thống phòng thủ dưới nước của đối phương mà không phải giảm tốc độ.
Li Pengfei, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết hiện nay chưa có hệ thống phòng thủ trên tàu nào có thể tránh cuộc tấn công “xuyên phương tiện” như vậy. “Điều này cải thiện rất nhiều khả năng xâm nhập của tên lửa”, nhóm nghiên cứu khẳng định.
Một trong những thách thức lớn nhất mà nhóm chế tạo phải giải quyết là hệ thống lực đẩy, vì phải tạo ra lực đẩy đáng kể khi tên lửa bay trong không khí hoặc dưới nước. Tuy nhiên, nhóm của Li cho biết có thể giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng boron – một nguyên tố nhẹ phản ứng mạnh khi tiếp xúc với cả nước và không khí, tạo ra nhiệt lượng đáng kể.
Nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật hàng không thuộc Đại học Công nghệ quốc phòng ở tỉnh Hồ Nam đã giới thiệu thiết kế hệ thống động cơ cho tên lửa này trong bài viết đăng trên tạp chí Công nghệ tên lửa rắn, số ra ngày 8/9.
Boron từng được không quân Mỹ cho vào động cơ tên lửa từ những năm 1950 để tăng sức mạnh cho máy bay ném bom siêu thanh. Tuy nhiên, dự án bị từ bỏ vì khó kiểm soát các hạt boron khi đốt cháy và tạo ra chất thải dần dần làm chậm động cơ.
Cuộc đua vũ khí siêu thanh khơi lại quan tâm về boron trong những năm gần đây. Trung Quốc đã chế tạo động cơ máy bay phản lực sử dụng nhiên liệu rắn chứa các hạt boron để tăng tốc tên lửa lên gấp 5 lần tốc độ âm thanh hoặc nhanh hơn.
Năm ngoái, một nghiên cứu của NASA được Hải quân Mỹ tài trợ tìm ra rằng những ống nano được làm từ boron nitride – kết hợp giữa boron và ni-tơ, có thể sử dụng làm nhiên liệu giúp vũ khí siêu thanh bay với tốc độ hơn 6.400km/giờ.
Tuy nhiên, hầu hết động cơ chạy bằng boron được thiết kế để hoạt động trong không khí. Các nhà nghiên cứu thường chọn nhôm hoặc ma-giê làm nhiên liệu cho ngư lôi siêu bay, vì chúng dễ phản ứng với nước hơn.
Nhóm của Li nói rằng họ đã thiết kế động cơ chạy bằng boron có thể hoạt động cả trong không khí và dưới nước.
Bài viết cho biết nhóm chế tạo sử dụng một số bộ phận hỗ trợ, như cửa hút và vòi xả để duy trì hiệu quả cháy của boron trong những môi trường khác nhau, nhưng thay đổi lớn nhất là các thanh nhiên liệu.
Boron thường chiếm khoảng 30% trọng lượng nhiên liệu của tên lửa hoạt động trong không trung, vì còn cần nhiều hóa chất khác để kiểm soát và kéo dài thời gian đốt cháy.
Nhóm của Li tăng gấp đôi tỷ lệ boron và ước lượng kết quả có thể có thể tạo ra lực đẩy lớn hơn nhôm trong nước.