Trung Quốc bắt đầu cho phép người mắc COVID-19 cách ly tại nhà

TPO - Trung Quốc ngày 7/12 tiếp tục nới lỏng các quy định phòng chống COVID-19 với 10 sự thay đổi lớn, trong đó đáng chú ý nhất là quyết định cho phép cách ly tại nhà.

Cụ thể, những người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng sẽ được cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện. Bỏ yêu cầu xuất trình kết quả âm tính và mã sức khỏe khi vào những nơi công cộng, ngoại trừ các địa điểm được chỉ định như viện dưỡng lão, cơ sở y tế và trường học. Quy định xét nghiệm với những người di chuyển giữa các địa phương trong nước cũng bị bãi bỏ. Những người tiếp xúc gần nếu đáp ứng các yêu cầu có thể chọn cách ly tại nhà trong năm ngày hoặc cách ly tập trung.

Các biện pháp mới cũng tối ưu hóa việc xét nghiệm, loại bỏ hình thức xét nghiệm hàng loạt và tiếp tục thu nhỏ quy mô các nhóm được xét nghiệm.

Đây là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy Bắc Kinh dường như đang chuẩn bị bước sang giai đoạn sống chung với căn bệnh này.

Mặc dù biên giới hầu như vẫn đóng cửa, nhưng sự thay đổi về quy định phòng dịch của Trung Quốc vẫn nhận được những phản hồi tích cực. Thông báo này nhanh chóng trở thành chủ đề được xem nhiều nhất trên nền tảng mạng xã hội Weibo. Nhiều người hào hứng nghĩ về viễn cảnh được thoải mái đi du lịch trong nước, nhưng một số khác vẫn bày tỏ sự lo lắng về khả năng lây nhiễm cao hơn.

"Đã đến lúc cuộc sống của chúng ta trở lại bình thường và Trung Quốc trở lại với thế giới", một người dùng Weibo viết.

Các nhà phân tích cũng hoan nghênh sự thay đổi được cho là có thể vực dậy nền kinh tế của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết: “Sự thay đổi chính sách này là một bước tiến lớn. Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ mở lại biên giới muộn nhất là giữa năm 2023."

Trước khi các quy định mới nhất được ban hành, nhiều thành phố và khu vực của Trung Quốc đã có những thay đổi về cách phòng dịch theo hướng nới lỏng. Các quan chức y tế cũng hạ giọng về những rủi ro do COVID-19, đưa Trung Quốc đến gần hơn với những gì các quốc gia khác đã nói trong hơn một năm khi họ bỏ các hạn chế và chuyển sang sống chung với virus.

Gu Xiaohong, một quan chức y học cổ truyền hàng đầu của Trung Quốc, hôm thứ Tư nói rằng Bắc Kinh nên đổi tên chính thức cho COVID-19 để phản ánh sự đột biến của virus, trong khi những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ có thể hồi phục tại nhà.

Việc nới lỏng quy định phòng dịch đã vô tình tạo ra làn sóng tích trữ thuốc men vì một số cư dân, đặc biệt là những người già chưa được tiêm phòng, lo ngại về nguy cơ nhiễm virus.

Các nhà chức trách trên khắp Trung Quốc đã cảnh báo về nguồn cung khan hiếm trong những ngày gần đây.

Nhân viên giao hàng tại một hiệu thuốc ở Bắc Kinh ngày 7/12. Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

“Hãy mua sắm một cách hợp lý, mua theo nhu cầu và đừng tích trữ một cách mù quáng", Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm thành phố Bắc Kinh khuyến cáo.

Tại quận Triều Dương của Bắc Kinh, nơi có hầu hết các Đại sứ quán nước ngoài cũng như các địa điểm giải trí và trụ sở công ty, các cửa hàng đã hết sạch một số loại thuốc.

Zhang (33 tuổi) nói: “Đêm qua thuốc vẫn còn trong kho, bây giờ nhiều loại đã hết hàng. Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đã được nới lỏng. Một số điểm xét nghiệm COVID-19 đã đóng cửa. Vì hiện tại ở quận Triều Dương số ca nhiễm khá cao, tốt hơn hết là nên dự trữ một số loại thuốc.”

Nhu cầu tăng cao đã thúc đẩy giá cổ phiếu của các nhà sản xuất thuốc, bao gồm nhà sản xuất siro ho Guizhou Bailing và Xinhua Pharmaceutical.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc gần đây đã chứng kiến sự hồi sinh so với đồng đô la, nhờ vào triển vọng rằng chính phủ sẽ nới lỏng chính sách "zero COVID".

Theo Reuters, Global Times