Người dân ở Quảng Châu lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Global Times) |
Ủy ban Y tế quốc gia và Cơ quan quản lý quốc gia về phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật phối hợp điều các nhóm làm việc xuống kiểm tra một số vấn đề nảy sinh khi 20 biện pháp tối ưu chống COVID-19 được triển khai.
Việc thực hiện các biện pháp này đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả và chia sẻ thông tin giữa các nhóm điều tra dịch tễ, chuyển giao người nhiễm bệnh và các nhóm xét nghiệm, tranh thủ 24 giờ đầu tiên để khống chế không để dịch bệnh lan rộng, Global Times dẫn lời ông Wang Liping, nhà nghiên cứu tại Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc.
Theo chuyên gia này, khi triển khai các biện pháp kiểm soát dịch, có hai xu hướng phân cực sai lầm đã xuất hiện: Hoặc là phong tỏa hoàn toàn hoặc “nằm duỗi”, nghĩa là không triển khai biện pháp phòng ngừa nào cả. Nhóm phối hợp nghiên cứu phòng ngừa dịch bệnh của Quốc vụ viện đã chỉ đạo sửa chữa cách làm kiểu “một màu” và các biện pháp thừa thãi, ông Wang cho biết.
Một số tỉnh thành đã chỉ đạo phải tránh kiểu làm “một màu”, cấm các chính quyền địa phương áp dụng thêm biện pháp hạn chế với những khu vực có nguy cơ thấp.
Ngày 26/11, chính quyền Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, cho biết quy định “ở nhà” không có nghĩa là người dân hoàn toàn không được ra ngoài. Người dân vẫn được ra ngoài để chữa bệnh, trường hợp khẩn cấp, thoát nạn và cứu hộ.
Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, đưa ra danh sách “16 việc không được làm”, bao gồm không niêm phong và khóa cửa nhà của những người đang phải cách ly tại gia. Nếu cần áp dụng biện pháp kiểm soát, cần áp dụng chính xác và không mở rộng phạm vi và thời gian phong tỏa, cửa thoát hiểm không được chặn hoặc khóa.
Ở quận Triều Dương, nơi có dịch nghiêm trọng nhất ở thủ đô Bắc Kinh, hạn chế được dỡ bỏ ở 75 khu vực nguy cơ cao từ sáng 27/11 để giảm nhẹ tác động lên cuộc sống của người dân, cơ quan y tế địa phương cho biết. Thông báo cũng khẳng định việc áp dụng biện pháp kiểm soát dịch tạm thời không được vượt quá 24 giờ đồng hồ, và phải phù hợp với 20 biện pháp tối ưu.
Urumqi, thủ phủ khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, cho biết sẽ khôi phục dịch vụ vận tải công cộng, bao gồm đường sắt, hàng không nội địa, xe buýt và taxi từ ngày 28/11.
Một số thành phố khác của Tân Cương cũng dỡ bỏ hạn chế.
Bắc Kinh và một số thành phố ở Hà Nam và khu tự trị Nội Mông cho người dân tự xét nghiệm ở nhà, với sự hướng dẫn của cán bộ y tế.
Mùa Đông thách thức
Trung Quốc đang đối mặt với tình hình dịch bệnh lây lan phức tạp, khi COVID-19 lan rộng ở nhiều khu vực như tỉnh Tứ Xuyên và Trùng Khánh ở vùng Tây Nam, tỉnh Quảng Đông ở miền Nam, Bắc Kinh và Hà Bắc ở miền Bắc.
Khả năng xuất hiện nhiều ca mắc hơn trong thời gian tới là điều hoàn toàn có thể, vì virus hoạt động mạnh hơn vào thời gian cuối Thu và đầu Đông, Yang Zhanqiu, phó giám đốc khoa mầm bệnh tại ĐH Vũ Hán, nói với Global Times.
Khi dịch bệnh bùng phát một lần nữa, cơ quan y tế quốc gia Trung Quốc kêu gọi phải đẩy mạnh việc tiêm chủng diện rộng, nhất là mũi tăng cường cho người lớn tuổi, đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển vắc xin và thuốc phổ rộng.
So với 2 năm qua, Trung Quốc đang ở trong cuộc chiến khó khăn hơn với virus, như trước khi chủng Omicron bắt đầu lây lan. “Khi đó, Trung Quốc có thể xử lý những chùm ca bệnh riêng lẻ, do người từ nước ngoài mang về. Nhưng nay, chúng ta đang đối mặt với tình hình lây lan quy mô lớn khắp cả nước, vì thế điều quan trọng là tăng cường tiêm chủng, bảo vệ các nhóm dễ tổn thương và chuẩn bị cho những kịch bản xấu hơn”, ông Yang nói.