ĐBQH Bùi Thị An:

Trực hệ với quan chức cũng phải kê khai tài sản

TP - Ngày 5/3, trả lời Tiền Phong, đại biểu quốc hội Bùi Thị An cho rằng khi kê khai tài sản, cần làm rõ cả cổ phần ngầm mà quan chức có thể sở hữu. Cùng với đó, phải bổ sung quy định kê khai cả với những người có cùng trực hệ để tránh gian lận, chuyển dịch tài sản.

Đại biểu Bùi Thị An nói: Đảng, Nhà nước khuyến khích mọi DN, cá nhân làm giàu chính đáng. Dân giàu nước mới mạnh. Không ai ngăn cản lao động chính đáng để tạo ra của cải. Cho nên chúng ta luôn tạo điều kiện để mọi người làm giàu chính đáng, kể cả đảng viên.

Nhưng để minh bạch về tài sản, chống tiêu cực và tham nhũng, gắn với nó phải có chế tài kiểm soát thu nhập, tài sản cá nhân, không phải để anh kê khai thế nào cũng được. Về lâu dài, phải chuyển toàn bộ việc tiêu dùng, thu nhập từ tiền mặt sang giao dịch bằng thẻ, séc qua hệ thống ngân hàng, có như vậy mới kiểm tra được nguồn thu nhập, chi tiêu của mỗi cá nhân.

Dư luận đang đặt vấn đề là các công cụ kiểm soát thu nhập của ta chưa có hiệu quả, nếu không nói còn buông lỏng, cho nên nhiều quan chức có thể lách luật, đến khi họ đã về nghỉ rồi mới thấy lộ ra nhà nọ, xe kia?

Việc kê khai tài sản không thể chỉ với riêng người có chức vụ phải kê khai. Để triệt để thì phải kê khai cả người cùng trực hệ như con cái, anh em, cha mẹ, vợ chồng và những người thân trong gia đình cán bộ, công chức thuộc diện kê khai. Như vừa qua, có những người khi bị dư luận đặt vấn đề về khối tài sản lớn của anh thì anh mới bảo đó là của con cái, anh em cho tặng. Thế thì khi kê khai, chúng ta cũng phải kê khai luôn cả tài sản của những người đó, phòng việc họ sẽ lách luật về sau này.

“Chuyện ông Trần Văn Truyền thì cũng phải làm rõ. Cơ sở Đảng trước đây đã và đang quản lý ông ấy phải làm rõ dư luận nêu như thế có đúng không. Không đúng phải minh oan cho ông ấy; còn đúng thì đó là chuyện khác rồi, phải làm theo quy trình xác minh”. 

ĐBQH Bùi Thị An

Thứ nữa, khi phát hiện nghi vấn tài sản bất minh, phải làm rõ tài sản của anh hình thành, có được từ nguồn nào, từ bao giờ. Không thể để tình trạng mập mờ giải thích kiểu người A người B tặng cho anh. Tôi thấy dân người ta bảo những người nghèo ở vùng sâu, vùng xa có thấy ai đến kết nghĩa nhận anh em, tặng quà biếu lớn thế đâu.

Vì sao họ tặng cho anh, đó là điều người dân muốn được làm rõ. Khi không có chế tài kiểm soát tài sản cá nhân thì sẽ không làm được chuyện gì cả, sẽ chỉ là hình thức thôi. Và cuối cùng là chế tài về giám sát, minh bạch tài sản không thể có vùng cấm, không để “đánh bùn sang ao” đưa ra quy định mà không thực hiện, sẽ không có tác dụng.

Bà có nói cán bộ lãnh đạo phải kê khai cả tài sản của người cùng trực hệ, vậy kê khai ra sao?

Phải kê khai với các đối tượng trực hệ bởi đó là những người mà khi có sự cho tặng, chuyển dịch tài sản cho nhau thì không phải đóng thuế một đồng nào cả. Họ cũng có thể chuyển dịch cho cả những người vị thành niên. Còn vợ chồng thì đương nhiên là phải kê khai rồi. Chuyện đó với các nước đều rất minh bạch. Có gì mà anh phải ngại, anh giàu lên là do được cho tặng minh bạch thì có vấn đề gì đâu.

Còn một chuyện nữa cũng rất tế nhị đó là một phần tài sản ngầm của một số cán bộ, chẳng hạn như các loại cổ phần ngầm. Những cổ phần không có tên, nhưng một năm các vị ấy có thể nhận được bao nhiêu tiền. Đổi lại thì người biếu cổ phần được gì? Họ sẽ được những chỗ đất vàng, những cơ chế ưu đãi vân vân và vân vân. Cái này cần mổ xẻ sâu hơn.

Cảm ơn bà.