Nhóm nghiên cứu gồm 31 chuyên gia, đứng đầu là Roberta Gilchrist, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Reading, Anh, phát hiện nhiều thế hệ làm việc ở tu viện quá say mê các truyền thuyết đến mức họ đã xóa bỏ hoặc diễn giải sai những bằng chứng không phù hợp.
"Glastonbury là một di tích đặc biệt, chúng tôi không muốn làm mất đi sự hứng thú của nhiều người. Những gì chúng tôi làm là xem xét cẩn thận mọi ghi chép chưa công bố về các cuộc khai quật ở thế kỷ 20 và bất kỳ bằng chứng nào còn tồn tại", The Guardian hôm 23/11 dẫn lời Gilchrist.
Một truyền thuyết kể rằng Joseph xứ Arimathea đến Glastonbury từ vùng đất Thánh. Khi chiếc gậy của ông gõ đến đâu, nơi đó mọc lên những bông hoa hồng một cách kỳ diệu. Joseph đã xây lên một nhà thờ tại đây. Gilchrist không tìm thấy ghi chép nào về một loài cây đặc biệt trong tu viện. Cây gai mọc ở sân tu viện là một giống táo gai phổ biến thường ra hoa vào giữa mùa hè và mùa đông.
Một sử gia thế kỷ 12, William xứ Malmesbury, để lại bản mô tả về một nhà thờ gỗ cổ đại. Tuy nhiên, William cho biết ông chỉ được nghe kể là nhà thờ do những môn đồ của Chúa xây lên. Ghi chép gốc chỉ còn lưu lại ở dạng bản sao và nội dung có thể đã được các cha xứ thêm bớt để bổ sung lịch sử lâu đời và làm tăng danh tiếng của tu viện.
"Có thể William đã trông thấy một nhà thờ gỗ thời Anglo-Saxon, có niên đại từ thế kỷ 7 hoặc sớm hơn, nhưng ông không có cách nào để xác định chính xác niên đại của nó", Gilchrist cho biết.
Trò lừa lớn nhất của các cha xứ diễn ra sau một trận hỏa hoạn lớn vào năm 1184 khiến họ gặp khó khăn trong việc xây lại tu viện trong tình trạng nguồn lực hạn chế và không có những di tích quan trọng để thu hút người hành hương. Giải pháp họ lựa chọn là thổi phồng truyền thuyết nổi tiếng về vua Arthur, người tạo ra hội Hiệp sĩ Bàn tròn.
Các cha xứ gán cho Glastonbury danh tiếng là hòn đảo Avalon trong truyền thuyết, nơi chôn cất Arthur. Họ còn dựng lên việc phát hiện ngôi mộ của vua Arthur và hoàng hậu Guinevere với cây thánh giá bằng chì khắc tiếng Latinh nhắc tên vị vua. Cây thánh giá đã thất lạc trong nhiều thập kỷ, nhưng Gilchrist khẳng định các ảnh chụp cho thấy đây là một tác phẩm được làm giả cẩn thận theo phong cách Anglo-Saxon.
Theo Gilchrist, khi nhà thờ được xây lại, các tu sĩ cố ý lựa chọn phong cách cổ để tạo ra ấn tượng về một công trình lâu đời hơn thực tế. "Những truyền thuyết khác có khả năng là do niềm tin hoặc hiểu lầm, nhưng truyền thuyết về vua Arthur và hoàng hậu Guinevere chỉ là do các tu sĩ tạo ra", Gilchrist nói.