Triển lãm "Con đường lúa gạo" diễn ra tại đường Trần Hưng Đạo (thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), bên bờ kênh Xáng Xà No - tuyến đường thủy huyết mạch, được mệnh danh là "con đường lúa gạo" vận chuyển hàng hóa lớn nhất xứ Nam Kỳ ngày trước.
Triển lãm con đường lúa gạo tái hiện sống động nền
sản xuất lúa gạo Việt Nam từ sơ khai đến hiện đại, với 4 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là thời kỳ sản xuất nông nghiệp sơ khai, sử dụng sức lao động của con người là chủ yếu; một số ít hộ có điều kiện thì sử dụng súc vật làm sức kéo. Triển lãm có các mô hình công cụ lao động như: áo tơi, gàu tát nước, cuốc, xẻng, mai, thuổng, đòn xóc, đòn gánh, quang gánh, cày, bừa, cối xay lúa, cối xay bột, cối giã gạo, néo đập lúa, trục lăn, cối đá lỗ, thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia, xảo, rổ, xuồng bè…
Đây là thời kỳ sản xuất tự cung tự cấp, công cụ giản đơn, cầm tay; năng suất lao động thấp, chỉ đảm bảo bù đắp sức lao động…
Giai đoạn 2 là thời kỳ kinh tế tiểu nông, sử dụng trâu, bò… làm sức kéo; cấy lúa bằng cây nọc, trồng lúa mùa, thâm canh; xuất hiện máy cày tay trong vài hộ gia đình có điều kiện. Các mô hình nông cụ thời kỳ này được triển lãm như: máy cày tay, vòng gặt, cặp đập lúa, máy tuốt lúa bằng tay, gốc rạ bẻ cò, bao lúa, lưỡi liềm, dao gặt, nhíp, xuồng máy…
Đây là thời kỳ sản xuất hàng hóa đơn giản, xuất hiện hàng xáo trong mua bán lúa gạo; từng bước có “của ăn của để”, lúa gạo dần trở thành hàng hóa trao đổi hấp dẫn…
Còn giai đoạn 3 là thời kỳ công nghiệp hóa, cơ giới hóa nông nghiệp: Sử dụng các loại máy móc như máy cày, máy gặt đập liên hợp, công nghệ sạ ngầm, sạ hàng, sạ máy, cấy máy, phương tiện có sà lan, tàu nhỏ…
Ở giai đoạn 3, máy móc thay thế sức kéo của súc vật, cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến và mua bán lúa gạo. Nghề làm nông nói chung và nghề trồng lúa nói riêng có thể đem lại sự khá giả cho hộ gia đình.
Giai đoạn 4 là thời kỳ nông nghiệp hiện đại 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, đưa máy móc, công nghệ kết hợp trí tuệ nhân tạo vào hệ thống sản xuất lúa, công cụ sản xuất được cơ giới hóa đồng bộ. Các mô hình được triển lãm gồm: máy cấy lúa, thiết bị bay gieo hạt, phun thuốc/phân, hệ thống tưới, máy gặt thông minh… Đây là thời kỳ chuyển đổi từ lao động sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; năng suất lao động rất cao, nông thôn mới xuất hiện những nhà nông chuyên nghiệp...
Triển lãm Con đường lúa gạo trưng bày Bản đồ lúa gạo Việt Nam có diện tích 7x10m, với tổng số 54 giống lúa (25kg) của 63 tỉnh, thành trên cả nước. Bản đổ được xác lập kỷ lục Việt Nam là "Bản đồ lúa gạo Việt Nam được ghép từ các giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành nhiều nhất".
Triển lãm "Con đường lúa gạo Việt Nam" được xác lập kỷ lục Việt Nam về "Không gian triển lãm, sắp đặt con đường lúa gạo chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt” dài nhất". Con đường có chiều dài 1,5km, rộng 30m, thời gian thi công 20 ngày, với 300 người thực hiện.
Cảnh Kỳ