Tri ân những trái tim tình nguyện

TP - Hôm nay, tại Hà Nội, diễn ra lễ trao giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2013. Đây là giải thưởng nhằm ghi nhận, tri ân những đóng góp của các cá nhân, tổ chức có những chương trình hoạt động tình nguyện ý nghĩa hướng về cộng đồng.

> Tăng gấp đôi Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia
> Đề cử 20 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu

Tìm lại chính mình

Gây ấn tượng với chia sẻ tìm lại được chính mình thông qua hoạt động tình nguyện, Hoàng Hiệp (Thanh Hóa) được bình chọn nhiều nhất cho giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2013. Từng đỗ đại học, nhưng sa đà vào ăn chơi, những tưởng Hiệp sẽ đánh mất mình.

Chuộc lại lỗi lầm, sau năm học thứ nhất, Hiệp xin nhập ngũ để sửa mình. “Dịp này, mình được đi đến những vùng nông thôn, được tận mắt chứng kiến sự nghèo đói, lạc hậu, thất học của các em nhỏ”, Hiệp nói.

Bị ám ảnh, sau khi ra quân, Hiệp thành lập CLB Tình nguyện xứ Thanh. “Vốn lớn lên ở thành phố, từng vấp ngã, nên mình hiểu ở lứa tuổi học sinh, nhiều em có suy nghĩ lệch lạc, dễ lạc lối. CLB được thành lập với mong muốn tạo ra môi trường lành mạnh để các em được tham gia hoạt động ngoại khóa, giao lưu và làm từ thiện để vững vàng hơn khi bước vào đời, sống có mục đích, lý tưởng và hoài bão”, Hiệp chia sẻ.

CLB Tình nguyện xứ Thanh ra đời ngày 10/10/2010. Ban đầu chỉ có 10 thành viên là những người bạn thân của Hiệp. Dần dần, hàng chục, hàng trăm học sinh THCS, THPT đã tìm đến CLB xin gia nhập. Để có kinh phí hoạt động, CLB mở thêm quán bán nước mía vào mùa bóng đá, thu về hàng chục triệu đồng mỗi mùa để làm tình nguyện.

Ngoài 20 cá nhân tình nguyện xuất sắc tiêu biểu, Ban tổ chức cũng lựa chọn ra 20 tổ chức tình nguyện xuất sắc tiêu biểu. Tại lễ trao giải, Ban tổ chức sẽ lựa chọn ra 10 cá nhân, 10 tổ chức tiêu biểu nhất để trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2013.

Trong hơn 2 năm hoạt động, CLB Tình nguyện xứ Thanh đã có nhiều hoạt động ý nghĩa. Điển hình như năm 2010, CLB quyên góp được 10 tấn quần áo, 50 thùng mì tôm, 50 thùng nước khoáng và gần 4 triệu đồng để trao tận tay người dân vùng lũ xã Liên Minh (Đức Thọ, Hà Tĩnh), hay như Chương trình “Trái tim sưởi ấm trái tim”, trao 100 suất quà trị giá mỗi suất 500.000đ cho học sinh nghèo tại huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa)... Mới đây nhất, CLB vận động quyên góp được 280 suất quà (trị giá 72.000.000 đồng) ủng hộ cho đồng bào vùng lũ xã Thăng Thọ (Nông Cống, Thanh Hóa).

Vượt qua số phận

Trong những gương mặt xuất sắc hoạt động tình nguyện năm 2013, có lẽ, Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống là trường hợp đặc biệt nhất. Bản thân là người khuyết tật, tuổi thơ của Vân là những tháng ngày buồn chán. Có lúc Vân cảm thấy bất lực và không tìm được lối thoát. Gắn liền với chiếc xe lăn, nhưng cuộc đời đã cho Vân khả năng bắt nhịp công nghệ và tư duy nhanh nhạy giúp Vân có một công việc ổn định. Điều quan trọng là phải có ước mơ và đừng bao giờ hết hy vọng. Cơ thể bạn có thể khuyết tật nhưng ước mơ của bạn thì không. Được sinh ra và sống trên đời đã là một hạnh phúc”, Vân tâm niệm.

Hiện tại, Trung tâm Nghị lực sống của Vân hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ hòa nhập toàn diện cho người khuyết tật. Mỗi năm, trung tâm có 2 khóa học, mỗi khóa từ 15 – 40 học viên được đào tạo miễn phí và giới thiệu việc làm phù hợp với mức thu nhập ổn định.

Không những tạo công ăn, việc làm cho nhiều người khuyết tật, Vân và nhóm của mình còn có nhiều chương trình tình nguyện hướng về người khuyết tật, học sinh nghèo các tỉnh miền núi… “Hơn ai hết mình hiểu rõ những người khuyết tật không chỉ cần một nghề để làm mà còn cần những điều quan trọng khác như những kỹ năng và kinh nghiệm sống để có thể hòa nhập vào cuộc sống bình thường”, Vân nói.

"Trong danh sách 20 cá nhân tiêu biểu của giải thưởng tình nguyện 2013, lớn tuổi nhất là ông Huỳnh Văn Phê (SN 1941).

“Tình nguyện là một việc làm xuất phát từ trái tim, và chỉ có tình yêu mới làm nên điều kỳ diệu”, ông Phê chia sẻ. Gần 20 năm nay, ông Phê và vợ duy trì lớp học tình thương ở ấp Tân Lập, xã Đông Hòa (Dĩ An, Bình Dương), dạy học cho các em nhỏ, đa phần là con em công nhân, những người lao động nhập cư.

Vợ chồng ông Phê trước đây là giáo viên. Khi chuyển vào Bình Dương, ông làm nghề bảo vệ. Xung quanh khu vực ông sinh sống có rất nhiều gia đình lao động nghèo, làm thuê ở lò gạch, hầm đá, đi phụ hồ hoặc buôn bán. Cuộc sống mưu sinh quá vất vả, khó khăn, thiếu thốn nên họ không có đủ điều kiện cho con đến trường học tập như con em nhà khác.

“Nghĩ thương lũ trẻ, lại vốn là thầy giáo, chúng tôi gây dựng lớp học tình thương với mong muốn giúp cho các cháu biết đọc, biết viết, biết điều hay lẽ phải, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”, ông Phê nói.

Lớp học được mở năm 1994, lúc đầu chỉ có 3 cháu, sau đó có khoảng 30 cháu, từ lớp 1 đến lớp 5.

“Đến năm 1998, số lượng học sinh lên đến 70, 80 em. Tuy nhiên, chỉ với căn nhà bảo vệ chật hẹp vừa ở vừa dạy học, cơ sở không còn đủ khả năng dạy học nên địa phương cất cho một lớp học cạnh nhà bảo vệ. Các nhà hảo tâm cũng hỗ trợ tiền và sách vở, đồ dùng học tập cho các cháu”, ông Phê nói

Từ lớp học tình thương này, hàng năm, vợ chồng ông Phê chuyển tiếp ra trường phổ thông từ 10 đến 15 học sinh. Về cơ bản, các em đều theo kịp học sinh lớp chính quy, thậm chí có em đạt loại giỏi. Nhiều em tiếp tục theo học cấp 2, cấp 3. Số còn lại, các em đi làm công nhân trong các công ty.

“Điều thôi thúc chúng tôi thực hiện và duy trì lớp học suốt gần 20 năm qua là vì tương lai của những cháu nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, kém may mắn. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nào không còn sức nữa”, ông Phê nói.

Theo Báo giấy