'Treo' hai thập kỷ, cầu Long Kiểng mới chỉ thi công phần trụ
TPO - Dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) được phê duyệt cách đây hơn 20 năm nhưng tới nay mới chỉ xong vài mố trụ. Hằng ngày, người dân Nhà Bè phải đi qua cầu sắt cũ, nhỏ hẹp, xuống cấp trầm trọng.
Dự án xây dựng cầu Long Kiểng nối 2 xã Nhơn Đức và Phước Kiển (huyện Nhà Bè) được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2001. Đến năm 2007, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng mới giải quyết cho một số hộ dân.
Tháng 8/2018, dự án cầu Long Kiểng mới được khởi công. Theo thiết kế, cầu dài 318m, đường dẫn hai đầu dài 661m với tổng mức đầu tư 557 tỉ đồng; dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2019.
Nhưng đến giữa năm 2022, cầu vẫn chưa hoàn thành. Tại công trường, chỉ có 7 trụ cầu bê tông đã được thi công xây dựng, trong đó có hai trụ giữa sông.
Góc nhìn trung tâm thành phố hướng về xã Nhơn Đức theo hướng đi Cần Giuộc (Long An).
Cầu mới ì ạch thi công hơn hai thập kỷ, cây cầu sắt Long Kiểng cũ phải gánh tải theo từng ấy thời gian. Hàng ngày, vào giờ tan tầm, hàng nghìn phương tiện chen chúc lưu thông qua cầu cũ.
Hơn hai mươi năm, người dân huyện Nhà Bè vẫn chưa được hưởng thụ từ công trình. Việc thi công cầu chưa xong đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của người dân hai bên bờ rạch Long Kiểng.
Việc di chuyển chưa thông ảnh hưởng không nhỏ đến giao thương, rõ rệt nhất chính là xe trọng tải lớn phải tìm đường khác vì không thể qua cầu sắt Long Kiểng.
Việc nhiều xe vượt tải trọng của cầu phải quay xe tìm đường khác vào giờ cao điểm thường gây ùn tắc giao thông.
Hàng ngày, người dân vất vả di chuyển trên đoạn đường Lê Văn Lương chật hẹp, bên cạnh hàng rào an toàn công trình cầu Long Kiểng. Hơn 20 năm sau ngày phê duyệt dự án xây mới và hơn hai năm sau ngày khởi công cầu Long Kiểng, chủ đầu tư vẫn chưa thể tiếp tục triển khai thi công do vướng mặt bằng. UBND huyện Nhà Bè cho biết địa phương này vẫn đang nỗ lực vận động người dân, kiến nghị thành phố tháo gỡ vướng mắc để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công xây dựng.
Do tính chất cấp bách của dự án, ngay trong thời gian cao điểm về dịch bệnh COVID -19, huyện đã chủ động báo cáo, kiến nghị UBND TPHCM về tiến độ, cùng những khó khăn, vướng mắc của dự án. Đồng thời, huyện chuyển hồ sơ bồi thường kèm theo dự thảo hợp đồng mua nền tái định cư đến từng hộ dân có ý kiến để tổng hợp báo cáo thành phố.
Từ năm 2011, dự án lại bị ảnh hưởng bởi chính sách giãn đầu tư công của Chính phủ. Do thời gian kéo dài dẫn đến kinh phí đầu tư bị đội lên và dự án phải điều chỉnh lại vào năm 2017.
Cầu sắt Long Kiểng hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 1/2019, một nhịp cầu này đã bị sập khi xe ben trọng tải lớn chạy qua. Cầu sau đó đã được sửa chữa lại để đáp ứng tạm thời nhu cầu đi lại của người dân.
Dự án xây dựng cầu Long Kiểng hiện do Tổng công ty Cơ khí Xây dựng Thăng Long và Công ty CP cầu 7 Thăng Long thực hiện.
Hiện tại, công nhân đang thi công hạng mục khoan cọc nhồi làm mố trụ.
Theo đại diện đơn vị thi công trên công trường, hơn 30 công nhân chia làm hai ca thi công ngày đêm.
"Lâu quá rồi, tôi mong thi công cho xong cầu để người dân đi lại thuận tiện hơn, cảnh quan khang trang hơn. Con trai tôi từ khi còn học phổ thông, lên đại học, ra trường, lấy vợ; tôi có 2 cháu nội đi học tiểu học rồi mà cây cầu làm vẫn chưa xong. Mấy hôm nay thấy công nhân thi công trở lại tôi vui lắm, chiều nào cũng ra đây xem", ông Nguyễn Văn Út Em (ngụ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) chia sẻ khi đứng xem công nhân thi công.
Ông Trần Phương Tuấn, Trưởng Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè cho biết đã có 68/103 hộ đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Trong đó, huyện đã chi trả xong cho 57 hộ với tổng số tiền hơn 157 tỉ đồng và đang tiếp tục thực hiện việc chi trả cho các hộ còn lại.
Trưởng Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè cũng cho biết hiện còn vướng mắc liên quan đến việc xác định suất tái định cư tối thiểu, chưa có phương án tái định cư bằng căn hộ cho các trường hợp không đủ điều kiện tái định cư theo quy định. Huyện đã có văn bản báo cáo, kiến nghị bổ sung chính sách và đang chờ UBND TPHCM và các sở, ban ngành có ý kiến.
Cầu sắt Long Kiểng đã tồn tại 46 năm, nhỏ hẹp xuống cấp, hầu như ngày nào cũng bị ùn ứ, gây rất nhiều khó khăn cho người dân qua lại.
“Sáng kẹt, trưa kẹt, chiều kẹt. Chỉ cần không chú ý, ôtô từ hai hướng có chiếc vượt đèn đỏ là kẹt xe ngay lập tức. Học sinh ở đây đi học phải đi từ sáng sớm chứ trễ một cái là kẹt xe không đi học được”, ông Lê Văn Phong (66 tuổi, ngụ xã Phước Kiển) sống gần cầu Long Kiểng cho biết. Cũng theo ông Phong, với tiền sử bị sập một lần vào ngày 19/1/2018 do xe quá tải, người dân rất lo lắng mỗi khi dòng xe xếp hàng dài trên cầu.
Cầu Long Kiểng nằm trên đường Lê Văn Lương (nối hai xã Nhơn Đức và Phước Kiểng, huyện Nhà Bè) chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành dù đã chậm tiến độ gần 3 năm.