> Tai biến mạch máu não: Cẩn trọng với những dấu hiệu báo trước
Tích tụ năng lượng quá nhiều = hội chứng chuyển hóa
Việt Nam được coi là nước có nền kinh tế phát triển tương đối nhanh, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Đại bộ phận người dân đều có lối sống thay đổi. Cơ cấu bữa ăn cải thiện rõ rệt, tỷ lệ protein, lipid càng chiếm ưu thế, các loại rau xanh và khoáng chất không cân đối. Đây được xem là thời kỳ dinh dưỡng chuyển tiếp ở nước ta và một số nước khác.
Bên cạnh đó, người dân ít vận động và sử dụng các phương tiện cơ giới thay cho hoạt động thể lực đã làm cho việc tích tụ năng lượng nhiều hơn trước đây. Vì vậy, một số bệnh mãn tính không lây có liên quan lối sống xuất hiện nhiều như: Đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng huyết áp...
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2010 số người bị đái tháo đường là 243 triệu người, nhưng đến năm 2030, con số này sẽ là 430 triệu người, trong đó chủ yếu là đái tháo đường type 2. Bệnh thường xảy ra âm thầm, khi biểu hiện rõ thì bệnh đã có biến chứng đe dọa tính mạng. 80-90% số người bị bệnh không được phát hiện sớm ở các nước đang phát triển.
Ở Trung Quốc, theo điều tra dịch tễ học cho thấy số người mắc là 92,3 triệu. Trung Quốc và Ấn Độ được coi là hai cường quốc của bệnh đái tháo đường.
Năm 2002, Bệnh viện Nội tiết T.Ư tiến hành nghiên cứu ở một số vùng sinh thái cho thấy, tỷ lệ này là 4,4% ở thành phố và 2,7% ở nông thôn và miền núi. Gần đây nhất, khi nghiên cứu ở huyện Hải Hậu, Nam Định, một huyện thuần nông thì thấy tỷ lệ đái tháo đường là 5,8% và tiền đái tháo đường là 16,3%. Trong đó chỉ có 30% số người dân hiểu biết được tác hại và yếu tố nguy cơ của bệnh.
Ngày càng trẻ hóa người mắc bệnh
Hằng năm, Bệnh viện Nội tiết T.Ư tiếp nhận lượng người bệnh đái tháo đường ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, bước đầu đã phát hiện một vài trường hợp đái tháo đường typ 2 ở vị thành niên thừa cân-béo phì. Đã có biến chứng và có thể tử vong ở người lứa tuổi 50-60. Song hành với rối loạn chuyển hóa glucose, là rối loạn chuyển hóa lipid, đây thường là căn nguyên gây tăng huyết áp và biến chứng đột quỵ.
Ở nước ta, nghiên cứu dịch tễ học đái tháo đường năm 2002 và năm 2012 cho thấy, tỷ lệ người mắc đái tháo đường typ 2 chưa được chẩn đoán là 64%. Thông thường, những người được chẩn đoán bệnh đã có thể có biến chứng như biến chứng về mắt, biến chứng về thận hoặc biến chứng về mạch máu.
Những biến chứng này thường khó điều trị và khả năng hồi phục rất kém. Chính vì vậy, đôi khi biến chứng này gây nên tàn phế hoặc tử vong cho bệnh nhân. Sớm phát hiện ra bệnh và có những biện pháp can thiệp thích đáng IDF và WHO đã đưa ra cam kết đồng thuận (từ năm 2006) về phương pháp dự phòng đái tháo đường trên toàn cầu.
Một trong những phương pháp được khuyến cáo là sàng lọc phát hiện sớm người tiền đái tháo đường, người đái tháo đường đồng thời có những biện pháp can thiệp sớm.
TS.BS. Lê Phong-Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, hiện nay dự án về phát hiện sớm và phòng chống bệnh đái tháo đường đang được triển khai rộng khắp tại 63 tỉnh/thành trên cả nước. Sau 3 năm thực hiện, kết quả sàng lọc từ báo cáo của các tỉnh cho thấy, trong tổng số 815.136 người được phát phiếu điều tra từ năm 2010 đến 2012 thì có 434.599 người có yếu tố nguy cơ (YTNC); số người đái tháo đường typ 2 ở người có YTNC là 99.250 người; số người đái tháo đường ở người có YTNC là 49.744 người. Tỷ lệ đái tháo đường type 2/người có YTNC là 11,44%; Tỷ lệ tiền đái tháo đường type 2/người có YTNC là 22,8%.
Chi phí trung bình cho một trường hợp khám sàng lọc trong thời gian qua khoảng 37.000 đồng. Cũng theo TS Phong, bên cạnh những nỗ lực của cán bộ y tế, sự quan tâm của các cấp chính quyền và ủng hộ của người dân, thì cũng còn những bất cập như hiện nay chúng ta chưa thể truyền thông để người dân tự giác phòng và chữa bệnh.
Lượng người bệnh đái tháo đường ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, bước đầu đã phát hiện một vài trường hợp đái tháo đường typ 2 ở vị thành niên thừa cân-béo phì