Một “dân chơi” triết lý: Sự thay đổi màu sắc của kỳ nhông như ngụ ý nhắc nhở lớp trẻ cần phải linh hoạt trong thời kỳ hội nhập.
Nghe dân chơi kể lại, một nhóm chơi kỳ nhông đầu tiên sang vùng Thượng Lào du lịch, thấy người ta thịt kỳ nhông, kẹp que hoặc chặt đầu rồi nướng bằng lửa than…
Họ thương tâm không chịu nổi nên nghĩ tới chuyện nuôi con vật này. Bây giờ thì loài vật này đã được nhiều người yêu thích. Người ta còn nuôi cả kỳ nhông Tây Tạng, một loài được dân chơi “hét” với giá 200 USD.
Theo nhận xét của dân chơi kỳ nhông, ưu điểm của vật nuôi này là sạch sẽ, dễ nuôi. Một chủ hàng kinh doanh thú nuôi tại chợ Đồng Xuân bật mí, nhu cầu chơi kỳ nhông của giới trẻ Hà Nội đang vào thời kỳ cực thịnh. Giới trẻ hiện đang có xu hướng thích những con vật nuôi lạ, đáng yêu.
Hiện, cả khu kinh doanh vật nuôi, thú nuôi của chợ Đồng Xuân chỉ có vài ba cửa hàng chuyên cung cấp kỳ nhông. Người mới chơi thường chọn mua con có kích thước nhỏ trưởng thành, màu sặc sỡ và giá tiền cũng chỉ khoảng 70-80 nghìn đồng một con, gồm cả lồng sắt.
Trước đây, giá trung bình một con kỳ nhông tại Hà Nội khoảng 40-50 nghìn đồng. Khi đi mua kỳ nhông nhớ chọn con nào đầu nghểnh cao thì mới đúng hàng khoẻ mạnh. Sau đó, kiểm tra toàn bộ móng, đuôi. Kỳ nhông sừng lưng dài một chút là loại đã trưởng thành và có sức chịu đựng.
Nuôi kỳ nhông không chỉ bằng các thức ăn quen thuộc như: Rau, cỏ, gián, thạch sùng mà còn có hẳn những cửa hàng cung cấp châu chấu món ăn khoái khẩu của những kỳ nhông cạnh chi nhánh Ngân hàng Công thương (46 Tăng Bạt Hổ); chợ Hàng Da (lối đi tắt ra Phùng Hưng) góc ngã tư Giảng Võ-Đê La Thành.
Khoảng 1.000 đồng/gói hơn 20 con là đủ mấy bữa cho kỳ nhông.
Để kỳ nhông khoe sắc, dân chơi sẵn sàng bỏ tiền triệu để làm bể xịn. Có những bể kỳ nhông được ốp sát tường, chiều dài đến trên 3 mét, cao gần 2m trông lạ mắt.
Bể kỳ nhông không thể thiếu phụ kiện đi kèm như cây gỗ, sỏi, đèn, bộ sưởi cũng phong phú đa dạng về mẫu mã.
Các “quái nhân” chơi kỳ nhông truyền tụng rằng, nên thường xuyên để sẵn một âu nước theo kích thước con vật trong lồng. Mùa đông không nên cho ăn nhiều mà chỉ giữ ẩm và thỉnh thoảng cho ăn một quả trứng chim cút (khoảng 2 tuần 1 quả).
Kỳ nhông sẽ lột da (giống như rắn) do vậy dân chơi phải kỳ công kiếm một khúc gỗ sần sùi hoặc một hòn đá ráp to để các “cậu cưng” lột da. Sau khi lột da, người nuôi lại phải có chế độ nuôi đặc biệt nhiều rau xanh cho kỳ nhông.