Trẻ giảm thính lực vì bị ngoáy tai

Nhiều bậc phụ huynh có thói quen hàng ngày là dùng tăm bông để làm sạch tai cho con. Tuy nhiên, thực tế việc làm này tiềm ẩn những nguy cơ và hậu quả khôn lường.
Ảnh minh họa: Internet

Sau khi tắm xong, rất nhiều bà mẹ dùng tăm bông ngoáy tai cho con. Nếu làm việc này thường xuyên, theo các chuyên gia y tế, chúng ta đã vô tình đẩy mỗi lần một ít ráy tai vào sâu hơn và rất có thể sẽ làm trẻ bị đau, sưng tấy, ảnh hưởng đến thính lực của con.

Ráy tai nằm bên ngoài lấy không đau nhưng ráy tai nằm sâu bên trong lấy rất đau. Khi tự chúng ta ngoáy tai cho bản thân, nếu đau là chúng ta dừng, nhưng nếu chúng ta ngoáy tai cho con, chúng ta không biết điểm dừng, vì vậy dễ gây chấn thương ống tai hoặc chấn thương màng nhĩ trẻ.

Ngoài ra, việc lấy ráy tai mỗi ngày bằng tăm bông sẽ làm rụng lông tai, dẫn đến làm hư chức năng tống chất bẩn ra ngoài cửa ống tai, từ đó trẻ hay bị viêm ống tai ngoài và hay có ráy tai hơn.

Do vậy, các bác sĩ khuyên rằng, trẻ sơ sinh không cần phải lấy ráy tai, mà ráy tai sẽ tự động bị cơ thể đẩy ra ngoài. Các bậc cha mẹ chỉ cần dùng tăm bông để lau chùi khi trẻ bị nước vào tai, hay khi ói, trớ sữa chảy vào tai.

Trong quá trình tắm cho bé, đôi khi các mẹ có thể để nước vào tai con. Khi đó bạn cần bình tĩnh cho trẻ nghiêng về phía tai có nước, sao cho nước có thể chảy ra. Điều này dễ thực hiện vì ống tai trẻ em khá thẳng. Bạn chỉ việc đặt đầu của một chiếc khăn xô mỏng vào cửa lỗ tai, vị trí thấp nhất là nước có thể chảy ra dễ dàng.

Cha mẹ cần phải hết sức thận trọng khi vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh bởi lẽ mỗi lần như vậy là mỗi lần đẩy một ít ráy tai vào sâu hơn và một chút sơ sẩy có thể khiến bé bị tổn thương.

Theo ý kiến của các chuyên gia tai mũi họng, các mẹ không nên quá lạm dụng tăm bông để làm sạch tai, tốt nhất là nên sử dụng 1 miếng vải ẩm để làm sạch, khô vành tai và vùng trước cửa tai sau khi bé tắm xong là được.

Khi sử dụng bông ngoáy tai nên hết sức cẩn thận nếu không rất dễ bị nhiễm trùng và cũng đừng đặt quá sâu vào trong tai. Thường xuyên lấy ráy tai sẽ làm mất đi lớp bảo vệ niêm mạc ống tai, thậm chí làm tai ẩm ướt, có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Bạn nên lưu ý khi vệ sinh tai cho trẻ chỉ dùng những loại tăm bông nhỏ, thấm nước muối sinh lý để lau sạch vành tai, các ngách trong vành tai…

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ráy tai chỉ bị đẩy đến gần cửa tai mà không ra tiếp ngoài cửa tai được, lâu dần sẽ đóng cục trong tai, nếu không lấy ra bé sẽ khó chịu và nghe kém. Trường hợp dễ lấy có thể dùng tăm bông khều ra. Nếu khó lấy thì không nên cố mà phải nhỏ nước muối sinh lý hay glycerinborate vài ngày cho ráy tai mềm ra tự chảy ra ngoài hay nếu phải lấy cũng dễ hơn đỡ gây đau cho trẻ. Trong trường hợp ráy tai nằm trong sâu , bạn không nên cố lấy mà nên đi bác sĩ tai mũi họng để bác sĩ kịp thời ấy ra cho bé.

Theo Theo Giadinh.net