Tây Nguyên:

Trẻ chật vật theo chương trình mới

TP - Nhiều trẻ vùng sâu, khó khăn, người dân tộc thiểu số Tây Nguyên chưa biết mặt chữ nhưng phải học từ, ghép vần, đọc cả cụm từ… trong 1 tiết học. Cô, trò và cả phụ huynh chật vật chạy cho kịp chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lê Lợi ở tỉnh Đắk Lắk

“Cháy” giáo án

Cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên lớp 1B, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (buôn Pốk A, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) nói: “100% học sinh trong trường là người Êđê.  Nhiều em nói tiếng Việt chưa rõ, không học qua mầm non, chưa biết mặt chữ cái, thậm chí cầm bút còn chưa chuẩn… Tuy nhiên, trong 1 tiết học 35 phút, các em phải cùng lúc học âm, ghép vần, đọc cả 1 cụm từ hoặc 1 câu dài… là rất nặng”.

Thầy Thái Mai Tịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông), cho hay, giáo viên đang cố gắng theo kịp chương trình SGK mới. Theo thầy Tịnh, sách mới có nhiều ưu điểm (kênh hình, kênh chữ phong phú, đa dạng…). Tuy nhiên, khi đặt vào hoàn cảnh thực tế của từng trường, nhất là trường có đông học sinh dân tộc thiểu số, sẽ phát sinh khó khăn. Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc có 159 học sinh lớp 1, trong đó 158 em dân tộc thiểu số. Nhiều em người Mông không biết hoặc nói tiếng phổ thông chưa rõ. Trong 1 tiết học, giáo viên không thể dạy hết nội dung theo thiết kế nên “cháy” giáo án. Giáo viên buộc phải rút ngắn thời gian của một số môn phụ để tăng cường thời lượng cho môn tiếng Việt. Khi trẻ đọc thông, viết thạo, nhà trường sẽ dạy bù lại các môn học trước đó bị giảm.

Dạy “chay”

Cô Hoàng Thị Cúc, người trực tiếp tham gia chọn sách và dạy lớp 1A, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, nói rằng, trường chọn bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” do phần đọc từ, câu trong bài giảng ngắn hơn 4 bộ còn lại. Dẫu vậy, khi áp dụng dạy học sinh dân tộc thiểu số, chương trình vẫn còn nặng. Trước khi dạy, giáo viên cũng được tập huấn, nhưng khi dạy, thực tế vẫn khác. “Tập huấn, mình được tiếp cận máy chiếu, đồ dùng phụ họa cho bài giảng. Nhưng thực tế, trường mình không có những thứ đó để áp dụng. Giáo viên phải dạy “chay”. Theo cô Cúc (có 32 năm làm nghề “gõ đầu trẻ”), cần bố trí chương trình dạy phù hợp với những nơi đặc thù như vùng sâu, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số… Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phải được đầu tư để trẻ vùng sâu bắt kịp với học sinh vùng có điều kiện.

Không chỉ trường ở vùng khó khăn, mà ngay trường tại trung tâm huyện cũng chưa được trang bị đủ dụng cụ hỗ trợ dạy học. Cô Nguyễn Thị Phố, Trưởng khối lớp 1, Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), cho biết, thiết kế chương trình tiếng Việt lớp 1 mới tăng từ 350 lên 420 tiết học, cùng yêu cầu đọc-viết ngay trong 1 tiết khiến nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh bị ngợp. Em nào được phụ huynh quan tâm thì tiếp thu khá tốt, ngược lại, giáo viên rất vất vả để kèm trẻ. Hiện cả cô và trò vừa học vừa nghiên cứu, tìm tòi nên cần thiết bị hỗ trợ. Tuy nhiên, ngoài SGK, giáo viên chưa tiếp cận được các dụng cụ dạy học theo chương trình mới. Cô Phạm Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi, nói rằng, đến thời điểm này chưa mua được sách tham khảo, dụng cụ dạy học cần thiết khiến việc dạy và học gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, cho biết, đã cử 3 cô giáo giàu kinh nghiệm nhất để dạy học lớp 1. Nhà trường cũng ưu tiên dành phòng học khang trang nhất cho trẻ đầu cấp. Thầy cô mong muốn chương trình dạy được điều chỉnh chậm lại một chút để phù hợp với những trường vùng sâu, đông học sinh dân tộc thiểu số.     

Đại diện Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, đang tổ chức các đoàn đi kiểm tra về triển khai dạy chương trình SGK lớp 1 mới. Sau khi tổng hợp các ý kiến, Sở mới có căn cứ đánh giá cụ thể.