PGS.TS Nguyễn Đức Anh- Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: lác, sụp mí, đục thủy tinh thể bẩm sinh đều là những bệnh lý về mắt cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nếu không dẫn tới tình trạng nhược thị- tình trạng giảm thị lực của một hoặc 2 mắt do mắt không được nhìn trong lứa tuổi nhỏ, thậm chí dần mất thị lực vĩnh viễn.
Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 2-3 triệu người bị lác. Đáng nói là hiện tượng bị lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ em được khám, chữa muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ. Bên cạnh đó, bệnh lý sụp mí mắt cũng khá thường gặp ở trẻ em. Tuy không gây mù mắt nhưng cũng khiến trẻ bị giảm chức năng thị giác và gây mất thẩm mỹ trên khuôn mặt.
PGS.TS Nguyễn Đức Anh giải thích, trong trường hợp trẻ bị lác, sẽ xuất hiện hiện tượng ức chế một mắt, dù 2 mắt vẫn mở bình thường, nhưng thực tế chỉ có một mắt nhìn được, còn mắt còn lại không được điều tiết sẽ dần dần kém đi. Với bệnh lý sụp mí, mắt bị che lấp đồng tử khiến ánh sáng không vào được mắt, sẽ dẫn tới nguy cơ làm giảm thị lực, gây nhược thị. Tương tự, bệnh đục thủy tinh thể cũng ngăn cản ánh sáng đi vào mắt khiến thị lực của trẻ ngày càng giảm.
“Việc phát hiện và điều trị muộn khi trẻ đã nhược thị sẽ khó khăn trong điều trị phục hồi. Nhiều trường hợp phát hiện quá muộn, phẫu thuật chỉ có thể giúp trẻ cân bằng hai mắt đối với trẻ lác, nhưng thị lực không được hồi phục. Phát hiện sớm để điều trị nhược thị rất quan trọng bởi trong lác, bởi việc điều trị không chỉ duy trì cân bằng hai mắt, mà phải là tái tạo lại sự phối hợp hai mắt, không còn hiện tượng ức chế một mắt”- PGS.TS Nguyễn Đức Anh nói.