>> Siêu vi khuẩn kháng thuốc đã có ở Việt Nam?
Giải thích về việc xuất hiện siêu vi khuẩn, BS Cấp cho rằng: Theo quy luật chọn lọc tự nhiên của Darwin, vi khuẩn sẽ tìm cách thích nghi, đột biến gen để kháng thuốc. Nhưng lâu nay, tốc độ tìm ra kháng sinh mới của con người lại chậm hơn tốc độ kháng thuốc của vi khuẩn.
Thế nên, theo BS Cấp, thì không ngạc nhiên khi những loài gây bệnh này lại chống cự được với Carbapenem – một loại kháng sinh gần như được coi là “vũ khí cuối cùng” chống vi khuẩn của con người, chỉ được dùng rất hạn chế.
Cách tốt nhất để phòng chống siêu vi khuẩn, theo vị Phó trưởng khoa Cấp cứu – Điều trị tích cực của BV Bệnh nhiệt đới TW này, là mọi người phải sử dụng kháng sinh đúng cách, tuân thủ chỉ định của thầy thuốc.
Hiện nay, nhiều người mới ốm đã uống kháng sinh, sau đó, khi thấy khỏe lại đã thôi dùng thuốc. Theo BS Cấp, điều này rất nguy hiểm, vì có thể, khi người ta uống không đủ liều, thì vẫn còn một phần vi khuẩn sống sót. Những con vi khuẩn đó sẽ “nhờn” thuốc trong lần điều trị sau, gây hậu quả nguy hiểm.
“Về nguyên tắc là không nhiễm trùng thì không dùng kháng sinh. Chỉ dùng kháng sinh khi bị bội nhiễm vi khuẩn” – BS Cấp khẳng định.
Ông cũng khuyên mọi người khi bị ốm, cần cân nhắc giữa vài chục nghìn đi khám ở bệnh viện, so với hàng trăm triệu phải trả, nếu tự ý điều trị không đúng cách, có thể gây ra vi khuẩn kháng thuốc.