Tránh ùn tắc khi xuất hàng sang Trung Quốc , doanh nghiệp cần lưu ý gì?

TPO - Trong bối cảnh, Trung Quốc đang siết chặt việc kiểm tra các lô hàng nông sản. Các doanh nghiệp, địa phương cần chú ý cập nhật các thông tin để áp ứng các yêu cầu từ phía thị trường, đồng thời chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang hình thức chính ngạch và chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách hàng.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có nhiều vấn đề đáng bàn. Trong đó, đáng chú ý là việc cơ quan chức năng Trung Quốc đang kiểm soát rất chặt các lô hàng từ phía Việt Nam, đặc biệt là vấn đề nguồn gốc xuất xứ, bao bì, nhãn mã, giám sát mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm…Hiện 100% lô hàng đều phải kiểm tra mới được thông quan.

Theo ông Trung, vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật nhận được thông tin cảnh báo từ phía Trung Quốc, hiện một số lô hàng xuất sang thị trường này không đúng mã số mà Cục gửi phía Tổng Cục Hải quan Trung Quốc. Ngoài ra, cơ quan chức năng nước này phát hiện nhiều lô hàng nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là nhóm rệp sáp và sâu đục quả.

“Vì vấn đề này, ngày 13/8 Trung Quốc vừa quyết định ban hành lệnh cấm vô thời hạn đối với nhãn Thái Lan do phát hiện rệp sáp. Hiện 6 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc có nguy cơ nhiễm các loại sâu bệnh này. Do vậy, thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp cần chú ý đến việc chăm sóc cây trồng, làm tốt ngay từ gốc, làm sao lô hàng từ lúc thu hoạch đến chế biến loại bỏ những sinh vật gây hại”, ông Trung nói.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện Trung Quốc đang siết chặt việc kiểm tra các lô hàng nông sản về bao bì, nguồn gốc xuất xứ..., các doanh nghiệp cần cập nhật thông tin để đáp ứng yêu cầu từ phía họ

Liên quan đến thông tin phát hiện mẫu vật trên xe chở thanh long của Việt Nam dương tính với SARS-CoV-2, ông Trung cho biết, đến nay chưa có văn bản chính thức nào từ phía cơ quan chức năng Trung Quốc trao đổi và xác nhận với phía Việt Nam về vấn đề này cả, cũng chưa có căn cứ khoa học về việc virus lây nhiễm qua nông sản, chỉ có các doanh nghiệp thông tin với nhau.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết thêm, phía hải quan Trung Quốc vừa có văn bản áp dụng quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Do đó, khi văn bản có hiệu lực, Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Các doanh nghiệp, địa phương cần chú ý cập nhật các thông tin để đáp ứng các yêu cầu từ phía thị trường.

Để giảm thời gian thực hiện các thủ tục kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu, Thứ trưởng Tiến cho biết sắp tới, bộ sẽ trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với 8 loại hoa quả (thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít) tạo điều kiện thuận lợi trong xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận

với khách hàng

Bộ Công Thương vừa gửi văn bản tới các Hiệp hội sản xuất, nhập khẩu hàng hòa; Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam thông tin về tình hình xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý cửa khẩu của cả Trung Quốc và Việt Nam đều tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cho tới nay, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa về cơ bản vẫn được duy trì nhưng tiến độ thông quan không được như trước đây do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn phòng dịch. Trước tình hình đó, để tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp:

Chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch. Bởi hàng hóa xuất khẩu chính ngạch có khả năng thông quan thuận lợi hơn rất nhiều so với hàng hóa vận chuyển lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các cặp chợ đường biên.

Trường hợp vì lý do khách quan nên chưa thể chuyển ngay sang xuất khẩu chính ngạch, đề nghị chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách mua hàng (địa chỉ tiêu thụ rõ ràng).

Đối với nông sản, cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại khâu sản xuất, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng để giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan.