> Trung Quốc hy vọng Mỹ cân bằng về Điếu Ngư/Senkaku
> Trung - Nhật ráo riết 'săn' tàu ngầm Pháp
Hai máy bay Nhật Bản yêu cầu máy bay Trung Quốc rời khỏi khu vực, nhưng lời cảnh báo qua radio bị lờ đi. Những tín hiệu cảnh báo lắc cánh có thể nhận thấy bằng mắt thường cũng bị phớt lờ. Các phi công Nhật Bản cân nhắc biện pháp cuối cùng: bắn cảnh cáo - hành động có thể bị Trung Quốc coi là gây chiến.
Trên đây là kịch bản giả định của một cựu phi công chiến đấu Nhật Bản. Nó cho thấy, sự tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông có thể nhanh chóng leo thang tới mức nguy hiểm.
“Trung Quốc sẽ điên tiết. Họ sẽ coi đó là chiến tranh, dù theo luật quốc tế thì không phải vậy”, viên cựu phi công nói.
Tháng trước, Tokyo nói rằng, theo luật quốc tế, các phi công Nhật Bản có quyền bắn cảnh cáo đối với kẻ xâm nhập không phận của mình. Hành động này Nhật Bản chỉ thực hiện một lần kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, sự chạm mặt, đối đầu giữa máy bay hoặc tàu tuần tra hai nước trên biển Hoa Đông sẽ gây ra một vụ đụng độ bất ngờ. Tuy nhiên, chính mối lo ngại này đang tạo động lực cho hai bên nỗ lực giảm căng thẳng, bao gồm khả năng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
“Rất có khả năng rằng, hai bên cuối cùng sẽ tìm ra một cách thức có tính giữ thể diện để tránh xa vấn đề nóng. Tuy nhiên, tôi sợ rằng, cách thức này thuộc dạng đầu voi đuôi chuột”, ông Andy Gilholm đến từ hãng tư vấn chính trị, an ninh toàn cầu Control Risks nhận định.
“Dường như không có cơ hội giải quyết tranh chấp một cách lâu dài… Chúng tôi cho rằng, loại va chạm này là một phần của một cơn bão mới thông thường, không phải là thoáng qua”, ông Gilholm nói.
Mỹ, đồng minh của Nhật Bản, đã chuyển sang quan tâm khu vực với chính sách trọng tâm châu Á. Mỹ đã ra hiệu rằng, nước này không muốn nhìn thấy xung đột quân sự tại Senkaku/Điếu Ngư - quần đảo không người ở mà Washington cho là thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.
Một loạt chính khách Nhật Bản, trong đó có cựu Thủ tướng Tomiichi Murayama, người đưa ra lời xin lỗi lịch sử năm 1995 (xin lỗi sự xâm lược của Nhật Bản thời chiến), tới thăm Bắc Kinh những tuần gần đây. “Ở Trung Quốc, những chuyến thăm này được đưa tin một cách rõ ràng. Trung Quốc đang nói với người dân trong nước rằng, đã đến lúc thử một cái gì đó mới mẻ”, ông Soeya, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á (Đại học Keio ở Toyo), nhận xét.
Muốn xuống thang ở thế thượng phong
Ông Shinzo Abe tái đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Nhật Bản hồi tháng 12-2012 sau khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông giành chiến thắng vang dội. Ông nói mình ủng hộ việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Nhật Bản - Trung Quốc.
Phó chủ tịch LDP Masahiko Komura có thể tới Trung Quốc để phục vụ công tác chuẩn bị. Cuộc gặp được dự đoán diễn ra sau khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đảm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch nước vào tháng 3.
Ông Abe nhanh chóng hành động để hàn gắn quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc sau khi ông nhậm chức thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên năm 2006. Một số chuyên gia Nhật Bản cho rằng, ông có thể sắp hành động tương tự, giống như chuyến thăm Trung Quốc năm 1972 của Tổng thống Mỹ Richard Nixon chuẩn bị cho việc bình thường hóa quan hệ Mỹ- Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản- Trung Quốc đòi hỏi tài ngoại giao. “Cả hai bên đều muốn hạ nhiệt, nhưng đều không muốn bị người dân nước mình coi là mềm yếu”, vị cựu phi công Nhật Bản, nay là chuyên gia về các vấn đề an ninh khu vực, nhận định.
Theo vị này, dù lãnh đạo cấp cao hai nước gặp mặt, cũng khó có sự thỏa hiệp thực chất, kiểu như Bắc Kinh dừng điều tàu và máy bay tới Điếu Ngư/Senkaku, hoặc Tokyo đồng ý rằng chủ quyền quần đảo có thể tranh cãi.
Trung Quốc gần đây tăng cường thách thức sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo bằng cách liên tục điều tàu hải giám và máy bay tới, trong khi Nhật Bản cho chiến đấu cơ cất cánh để ngăn chặn, đẩy đuổi. Điều này đã nâng nguy cơ xung đột lên một mức mới, theo các nhà ngoại giao.
Máy bay chiến đấu của Nhật Bản cất cánh 160 lần từ tháng 4 đến tháng 10 năm ngoái, nhiều hơn cả 12 tháng trước đó. Kể từ ngày 13-12-2012, khi một máy bay cánh quạt của Trung Quốc bay vào vùng trời mà Nhật Bản coi là không phận của mình, chiến đấu cơ Nhật Bản cất cánh ít nhất tám lần.
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói rằng, Nhật Bản có thể bắn đạn lửa cảnh cáo, hành động mà không lực nước này thực hiện một lần duy nhất từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, khi một máy bay ném bom Liên Xô bay lạc vào không phận phía trên tỉnh Okinawa.
Hồi đó, phía Nga xin lỗi, nhưng nếu có vụ việc tương tự liên quan Trung Quốc thì lần này không dễ giải quyết, nhiều chuyên gia nhận định.
Một nguy cơ leo thang khác là khả năng va chạm giữa các tàu tuần tra của Nhật Bản và Trung Quốc gần Senkaku/Điếu Ngư, hoặc một tàu chở các nhà hoạt động Trung Quốc cố tìm cách cập đảo.
Phía Nhật Bản đang cân nhắc việc triển khai chiến đấu cơ F-15 và máy bay tuần tra tới chuỗi đảo gần quần đảo tranh chấp để phản ứng nhanh hơn.
“Ít nhất là có nỗ lực kiểm soát tình hình. Nhưng mối nguy còn đó”, Hitoshi Tanaka, nhà ngoại giao Nhật Bản nghỉ hưu, nay là Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc tế ở Tokyo, nhận định.
Nhật Bản phản đối hoạt động radar của tàu Trung Quốc
Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói rằng, một tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc đã dùng radar định vị vũ khí để chiếu tướng một tàu Nhật Bản ở gần Senkaku/Điếu Ngư; Tokyo đã chính thức phản đối Bắc Kinh về việc này.
“Ngày 30-1, một radar kiểu kiểm soát hỏa lực chĩa thẳng vào một tàu hộ tống của Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản”, ông Onodera nói với các phóng viên. Trước vụ đó vài ngày, một radar tương tự của Trung Quốc cũng nhắm vào một trực thăng quân sự của Nhật Bản. “Việc hướng radar như vậy là rất bất bình thường. Điều đó sẽ tạo ra tình huống rất nguy hiểm dù chỉ một sơ suất xảy ra”, ông nói.
Ngày 5-2, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phản đối việc chính phủ Nhật Bản thành lập văn phòng mới phụ trách vấn đề lãnh thổ liên quan các nước láng giềng, trong đó có nhóm đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima.
Thái An
theo BBC, Yonhap
Phương Anh
tổng hợp