Tranh cãi với 'bạn chỉ sống một lần trong đời'

TP - Cùng một trào lưu nhưng chia rẽ giới trẻ thành hai phe đối lập. Một bên chủ trương nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống, một bên cổ súy nỗ lực mỗi ngày. Dù khác nhau về “cương lĩnh hoạt động”, những người này đều khẳng định, chính sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã khiến họ quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống mong muốn của chính mình.
Quyết định về hưu khi 27 tuổi của Thu Hương khiến cộng đồng Yolo kẻ khen người chê

Nhiều người mạo hiểm hơn sau đại dịch

Trong hội thảo “Tìm lao động sau đại dịch” do Hội doanh nhân trẻ Hà Nội tổ chức hồi đầu tháng 10, một CEO của công ty kiến trúc A chia sẻ: “Riêng phòng sáng tạo của chúng tôi có 5/18 nhân viên nộp đơn từ chức. Lý do là đại dịch đã khiến họ có can đảm theo đuổi những thứ mình thích. Một số người nói muốn thử cảm giác mạo hiểm khi bỏ việc lương cao”.

Cũng trong hội thảo này, nhiều CEO chia sẻ, xu hướng thay đổi công việc, thậm chí từ bỏ công việc ở các lao động trẻ (25-35 tuổi) đang có nguy cơ lan rộng. Cụm từ Yolo (You only live once - Bạn chỉ sống một lần trong đời) được nhắc đi nhắc lại. Nếu như trước đây, thất nghiệp là nỗi lo thường trực của người trẻ, thì giờ đây, nhiều người sẵn sàng ở nhà với một con số tiết kiệm nhất định và không dễ dàng thỏa hiệp với những yêu cầu công việc ở cường độ cao như trước.

Yolo không phải là trào lưu mới, nó được Drake - rapper nổi tiếng người Canada phổ biến từ năm 2011 và nhanh chóng lan ra khắp thế giới. Bẵng đi, sau đại dịch, Yolo trở thành một lối sống, ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có cả cộng đồng Yolo với hàng chục ngàn thành viên. Trên diễn đàn Yolo, những bài viết được chia sẻ, bình luận nhiều nhất đều có chung một chủ đề “sống nhàn” như: Về hưu trước tuổi 30; Bỏ phố về quê vui thú điền viên; Sống như một cái cây; Tiền nhiều để làm gì? v.v...

Thời gian trước, câu chuyện của Thanh Hương, cô gái người Hưng Yên, quyết định nghỉ hưu từ 27 tuổi với một chiếc xe đạp, một tấm thảm yoga, một chiếc iPad, điện thoại và tài khoản tiết kiệm hơn một trăm triệu đồng đã làm cộng đồng Yolo Hà Nội dậy sóng.

Vợ chồng chị Lê Nguyệt bỏ việc công sở về làm nông dân được nhiều người ủng hộ

Theo như Thu Hương chia sẻ, trước khi về hưu cô từng là một nhân viên ngân hàng mẫn cán, mỗi ngày làm việc trung bình 12-14 tiếng kể cả cuối tuần. Sau khi quyết định “buông bỏ”, Hương chỉ ngồi thiền, tập yoga, ngắm bình minh, đạp xe xuyên qua làng ra chợ mua ít hoa quả, tiện thể đi "tắm nắng", chiều ngủ dậy, cô đọc sách, luyện chữ, trồng cây, hoặc làm đồ handmade. Có hôm lười, cô chỉ nằm một chỗ xem phim và nghe nhạc.

Bên dưới bài viết về Hương có thể tìm thấy hàng trăm bình luận với nội dung “me too - tôi cũng thế”.

“Mình thất nghiệp nửa năm, thấy không đi làm vẫn sống ổn, thế là bỏ luôn, kể cả công ty gọi lại” (Nguyễn Huy Hoàng).

“Tôi chuyển từ hệ trâu (cày) sang hệ lười (lim dim ngủ cả ngày) thấy ổn lắm. Kể nếu bớt chi tiêu, chỉ tập trung vào những nhu cầu cơ bản thì cũng chả cần phải làm hùng hục lấy hai mấy triệu một tháng làm gì” (Hà Hương).

“Ban đầu nghỉ việc cũng rón rén lắm, sợ dư luận ác ý, nhưng khi quen rồi thì thấy đây chính là quyết định đúng đắn nhất trong ba mấy năm cuộc đời của mình” (Trần Thanh Nga)...

“Yolo theo nghĩa gốc của nó nghĩa là bạn sống cuộc sống của chính bạn, như bạn muốn. Vấn đề chính là cái “như bạn muốn” thôi. Để tự do lựa chọn cách sống của mình, bạn phải đủ mạnh: về tài chính, kiến thức, sức khỏe, tâm lý... Và tất cả những cái đó chỉ đến cùng với rất nhiều nỗ lực”

Tiến sĩ xã hội học Nguyễn Trà My -Viện Hàn lâm KHXH

“Phe đối lập”: vì Yolo nên càng cần nỗ lực

Trái ngược với quan điểm về hưu để tận hưởng cuộc sống, một bộ phận giới trẻ lý giải Yolo theo một cách khác hẳn. Họ cổ súy lao động nhưng không phải kiểu "all work no play" (chỉ làm không chơi).

“Cũng bởi chúng ta chỉ sống một lần trong đời nên càng phải sống cho rực rỡ. Loài người sở dĩ tiến hóa như hiện nay là vì chúng ta không ngừng lao động. Làm gì có giống loài nào tồn tại được trong trạng thái chỉ có nghỉ ngơi và tận hưởng. Tất nhiên, tôi cũng không ủng hộ việc lao động hùng hục mười mấy tiếng một ngày, vắt kiệt sức khỏe lẫn tinh thần. Nhưng làm việc là cần thiết, học hành là cần thiết. Tôi của 30 tuổi luôn biết ơn tôi của 20 tuổi vì đã học hành chăm chỉ, đã nỗ lực để có chỗ đứng và thu nhập như hiện tại”, Ngô Hà An (một trong những người sáng lập nhóm “Yolo hành động”) chia sẻ.

Theo đó, hình mẫu được nhóm này tung hô chính là một cặp vợ chồng người Nghệ An, về hưu sau mười năm nỗ lực không ngừng nghỉ. Chị Lê Nguyệt cùng chồng và con trai đã bỏ căn hộ cao cấp ở trung tâm Hà Nội để sống trong căn nhà cấp 4 xây hết 150 triệu ở Đăk Lăk. Hàng ngày, thay vì làm công ăn lương, họ làm nông dân. Anh chồng tự tay xây tường bao, đóng tủ bếp, giường hộp, bàn ghế... Cô vợ nghiên cứu làm phân bón, ủ bồ hòn rửa bát, ép hạt sacha inchi lấy dầu ăn, thậm chí làm bia hoa quả bằng nấm thủy sâm kombucha...

Trong giới nghệ sĩ, Lê Cát Trọng Lý cũng được coi là một Yolo truyền cảm hứng. Nhiều năm nay, Lý từ bỏ cuộc sống ở thành phố, lên Măng Đen dựng nhà chuyên tâm với những dự án nghệ thuật quy mô nhỏ và hàng ngày theo đuổi lối sống tự túc, gần gũi với thiên nhiên.

“Không phải không làm gì, mà là làm công việc khiến mình vui hơn. Dĩ nhiên, nếu bảo không làm gì tôi vui hơn thì cũng có lý. Chơi luôn dễ hơn làm, xem phim, lướt mạng, shopping, ngồi ngẩn người... luôn dễ hơn suy nghĩ... Ví dụ việc tập luyện chẳng hạn. Khi bắt đầu cầm cái tạ lên, tưởng tượng đến toàn thân đau nhức là đã muốn bỏ tạ đi uống cà phê rồi. Thế thì điều gì làm cho bao nhiêu con người đau cỡ nào, đổ mồ hôi cỡ nào cũng vẫn cố gắng duy trì nửa tiếng tập mỗi ngày. Chính là vì thành tựu mà mình đạt được sau những cố gắng ấy: khỏe và đẹp. Làm việc, học hành cũng thế. Vất vả bao nhiêu thì thành quả cũng ngọt ngào bấy nhiêu. Tôi nghĩ hiểu Yolo theo hướng này tích cực và thú vị hơn!”. Bài diễn thuyết ngắn của doanh nhân Trương Hà trong buổi nói chuyện về “Yolo hành động” đã nhận được 13.121 lượt đồng tình và chia sẻ chỉ sau 48h.

Hiểu rõ Yolo là gì

Ngoài hai trường phái Yolo được gọi vui là “xuất thế” và “nhập thế”, nhiều người trẻ chia sẻ nhận thức về Yolo thiên về khía cạnh “giác ngộ tinh thần”. Đây cũng được xem là một kiểu hiểu rõ Yolo, quay về đầu tư cho bản thân thay vì tập trung thời gian, tinh thần và sức lực vào những “giá trị bên ngoài”.

Huỳnh Thủy Tiên (TP.Hồ Chí Minh) là một coach (huấn luyện viên) về phong cách sống. Theo đó, để thu hút học viên, cô phải tự biến cuộc sống của mình thành một hình mẫu hoàn hảo từ cuộc sống, tinh thần cho đến sức khỏe, hình thể. Mỗi ngày đều đặn Tiên rời giường lúc 6h30, tập thể dục, ăn sáng theo thực đơn lành mạnh, 8h30 ra khỏi nhà với vẻ bề ngoài “không bắt bẻ vào đâu được”. Trở về nhà lúc 5h30 chiều, bữa tối của Tiên là một cốc sinh tố và quãng thời gian từ đó đến lúc đi ngủ cô dành toàn bộ để đọc sách “nâng cao giá trị bản thân”.

Sau ba năm liên tục, Tiên quyết định từ bỏ vẻ hoàn hảo ấy: “Thật điên rồ khi cứ phải gồng mình lên như thế. Khi hiểu rõ được Yolo, tôi hòa nhã với bản thân hơn, thân - tâm đều thả lỏng, cũng nhờ thế mà tôi lại làm được nhiều việc hơn”.

Anh Trần Văn Hải (Lotte Việt Nam) lại hiểu Yolo sau một biến cố: “Hai năm trước từng hiểu nhầm về Yolo, tôi cũng nghỉ việc một năm để tận hưởng cuộc sống. Đến lúc bị ốm, điều trị mất gần hết tiền tích lũy tôi mới cảm thấy không ổn. Nếu hiểu Yolo cực đoan theo nghĩa không cần làm gì, vậy thì chúng ta sẽ sống bằng gì? Cứ cho là sống tối giản không cần nhiều tiền đi, thì như trường hợp của tôi, khi đau ốm, tiền chữa bệnh lấy đâu ra? Cho nên, sau khi hồi phục sức khỏe, tôi lại đi xin việc. Lần này tôi chọn một vị trí ít áp lực hơn. Dịch bệnh, đau ốm khiến tôi phải xác định lại các thứ tự ưu tiên của mình”.

Biên đạo múa Hương Giang lý giải về Yolo: “Tôi hiểu Yolo nghĩa là yêu thương bản thân nhiều hơn. Yêu thương bản thân không có nghĩa là thích gì làm nấy như nhiều người nghĩ, yêu thương bản thân đôi khi chỉ là biết cách tha thứ cho bản thân, không tự giày vò, dằn vặt; cho phép bản thân được thất bại... Tôi không ủng hộ Yolo theo kiểu không làm gì. Vì đơn giản không làm gì thì buồn lắm. Cứ làm việc, sống, trải nghiệm, sai lầm và bước tiếp, thế là Yolo rồi”!