Trạm vũ trụ 8,5 tấn của Trung Quốc mất kiểm soát sắp lao xuống Trái Đất

Trạm Thiên Cung 1 đang bay mất kiểm soát trên quỹ đạo và nhiều khả năng sẽ rơi xuống Trái Đất vào tháng 1/2018.
Trạm Thiên Cung 1 đang hạ thấp dần độ cao trên quỹ đạo. Ảnh: Wikipedia.

Trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc đã ngừng hoạt động vào ngày 16/3/2016 và sắp rơi xuyên qua khí quyển Trái Đất, Space.com hôm 5/8 đưa tin.

Trạm Thiên Cung 1 được phóng vào quỹ đạo năm 2011, từng đón hai phi hành gia Trung Quốc và một tàu vũ trụ không người lái. Trong suốt thời gian trạm hoạt động, Trung Quốc định kỳ kích hoạt động cơ đẩy để giúp trạm giữ độ cao trong quỹ đạo.

Tuy nhiên, sau khi Thiên Cung 1 rơi vào tình trạng mất kiểm soát tháng 3 năm ngoái, lực cản của khí quyển khiến quỹ đạo trạm hạ thấp khoảng 160 m mỗi ngày. Trạm Thiên Cung 1 đã hạ từ độ cao khoảng 400 km xuống còn 350 km

"Nhiều khả năng lần hồi quyển này sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát. Chúng tôi nghi ngờ nhà chức trách Trung Quốc đã mất kiểm soát trạm Thiên Cung 1 và sẽ không thể khôi phục quyền điều khiển trước khi trạm quay trở lại khí quyển", tập đoàn Aerospace Corporation ở Mỹ cho biết.

Ở tốc độ hạ thấp hiện nay, trạm Thiên Cung 1 chắc chắn sẽ rơi xuống Trái Đất. Các chuyên gia dự đoán thời điểm trạm rơi nằm trong khoảng từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2018, theo Văn phòng về Hoạt động Vũ trụ Liên Hiệp Quốc (UNOOSA). Khả năng cao nhất là trạm sẽ rơi vào tháng 1 năm sau.

Trạm Thiên Cung 1 sẽ rơi xuống vị trí nằm giữa 43 độ vĩ bắc và 43 độ vĩ nam, trong khoảng từ phía bắc Italy đến phía nam New Zealand. Những mảnh vụn được cho là sẽ bốc cháy hết khi xuyên qua khí quyển và khả năng có người bị mảnh vụn rơi trúng rất thấp.

Tuy nhiên, bất kỳ mảnh vụn nào rơi xuống mặt đất có thể chứa chất ăn mòn rất độc hại tên hydrazine và người dân được khuyến cáo không nên chạm vào.

Vật thể nhân tạo lớn nhất từng quay trở lại khí quyển là trạm vũ trụ Mir vào năm 2001. Trạm nặng 120 tấn và vài mảnh vỡ của trạm có thể quan sát từ mặt đất.

Trạm Thiên Cung 1 khá nhỏ so với trạm Mir, chỉ nặng 8,5 tấn. Tuy nhiên, tùy vào thời gian rơi, một số mảnh vụn bốc cháy có thể nhìn rõ suốt vài phút khi bay ngang qua bầu trời.

Theo Theo Zing