Trải thảm đỏ mời dịch văn chương Việt

TP - Hàng trăm dịch giả quốc tế sẽ có mặt tại Hà Nội dự hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam, trong khi giới văn chương chuẩn bị sẵn câu mời: Dịch tôi đi.
Nhiều tác phẩm văn học Việt vẫn chỉ thể hiện bằng tiếng Việt. Ảnh: Phạm Yên

Trong khuôn khổ hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam (VN) từ 5 đến 10-1-2010 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình và khu biệt thự Hồ Tây, các nhà xuất bản và tổ chức nước ngoài sẽ ký kết với Hội Nhà văn VN và NXB Hội Nhà văn về việc chọn và chuyển ngữ.

Như một hội nghị xúc tiến đầu tư, Hội Nhà văn trải thảm đỏ chào mời hơn 100 dịch giả ngoại quốc và 34 dịch giả trong nước, chưa kể hàng trăm nhà văn đến giao lưu giới thiệu tác phẩm.

Từ những cái tên quen Kevin Bowen - giám đốc Trung tâm William Joiner (Mỹ), Bruce Weigle - giáo sư Đại học Pensilvania, George Evans - nhà thơ tự do dịch Cây thời gian của Hữu Thỉnh, John Balaban - giáo sư ĐH Miami dịch thơ Hồ Xuân Hương, Jamine Gillon (Pháp) dịch Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Quang Thiều, Frank Gerke (Đức) dịch thơ thiền Nguyễn Duy và Nguyễn Quang Sáng đến cả những người với các nghề khác nhau như nhà báo, tiến sỹ vật lý, bác sỹ v.v... từ Hungary, Ba Lan, Italia, Hà Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mông Cổ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào... chung một mối quan tâm văn học VN, rồi nhà văn Việt ở nước ngoài như Trần Thiện Đạo (Pháp), Nguyễn Huy Hoàng (Nga), Thái Kim Lan (Đức). Họ sẽ dự bốn hội thảo: Văn học cổ điển, văn xuôi hiện đại, thơ hiện đại và nhà văn trẻ VN.

“Dịch tác phẩm văn học không phải là chuyển ngữ đơn thuần mà là chuyển hồn một dân tộc, văn hóa của một dân tộc. Để thâm nhập cảnh quan văn hóa VN, chúng tôi mời họ tham quan bảo tàng ở Hà Nội, đi Côn Sơn và Yên Tử”- Chủ tịch Hội Nhà văn VN Hữu Thỉnh nói trong họp báo 15-12.

Nhà thơ Hữu Việt băn khoăn, Hội chú trọng thúc đẩy văn học VN ra nước ngoài tại sao không có giải thưởng cho người dịch văn học VN xuất sắc trong năm. Chủ tịch Hội đáp: Tạm thời đợt này không trao giải cho dịch giả nước ngoài, chỉ trao kỷ niệm chương hữu nghị cho hơn 40 người.

Nhà văn Y Ban nói: Mỗi tác phẩm văn chương Việt hiện chỉ in 500- 1.000 cuốn, xuất hiện trên quầy sách ba tháng. Nhan nhản quầy Đinh Lễ là sách dạy làm người, làm giàu và làm tình. Vậy dịch giả nước ngoài nhìn vào đâu để thấy văn học đương đại VN mà chọn dịch? Ông Hữu Thỉnh trấn an: Bốn hội thảo có bốn phòng đọc và giao lưu. Các nhà văn có thể đến đó tiếp thị sách.  

Đại diện Hội Nhà văn VN: Nếu hội nghị toàn dịch giả 60- 70 tuổi thì đáng sợ thật. Chúng tôi sẽ bổ sung người dịch trẻ tiêu biểu trong nước. Những người dịch văn Việt quá già rồi. Phải chăm lo những người đang học tiếng Việt tại Hà Nội và TPHCM để họ chuyển ngữ văn học VN.