TQ cậy mạnh 'nhát khỉ', Nhật 'mài kiếm' đối đầu
> Cáo buộc Trung Quốc dùng vũ lực trong tranh chấp đảo
> Tàu Trung Quốc tiếp tục vào Điếu Ngư/Senkaku, thách thức Mỹ - Nhật
> Nhật, Mỹ dọa đánh chìm tàu sân bay Trung Quốc
Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng gấp đôi, theo đó là các tuyên bố vô lý về chủ quyền trên biển Đông, Hoa Đông, các hành động tranh chấp của Trung Quốc bất chấp luật lệ, cậy mạnh đe dọa các nước nhỏ.
Tất cả động thái trên đã trở thành một thách thức trực tiếp, nguy hiểm đến an ninh chủ quyền của nhiều quốc gia trên khu vực châu Á-TBD trong đó có Nhật Bản.
Với quần đảo Senkaku, Nhật Bản được Mỹ bàn giao quản lý từ năm 1972. Lúc đó, lợi dụng Nhật Bản, Mỹ để phát triển kinh tế, Trung Quốc lờ đi vần đề chủ quyền. Khi thực sự trỗi dậy, GDP bằng và vượt Nhật Bản thì từ nhu cầu chiến lược toàn cầu, cùng với tuyên bố chủ quyền 80% diện tích biển Đông, Trung Quốc chính thức khởi đầu đầu tranh chấp với Nhật về quần đảo này trên biển Hoa Nam.
Cuộc tranh chấp cho đến thời điểm này được coi như 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu, từ năm 2010 đến cuối năm 2012, Trung Quốc tỏ ra rất cứng rắn và quyết liệt.
Mọi hành động của Nhật có dấu hiệu “quản lý” quần đảo này cả 2 lần đều bị Trung Quốc đáp trả rất cứng rắn và tương xứng.
Cắt nguồn cung đất hiếm khi Nhật bắt vị thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc xâm phạm Senkaku và biểu tình đập phá, bài xích Nhật Bản trên 80 thành phố của Trung Quốc với những tuyên bố “đanh thép” của giới quân sự “diều hâu” khi Nhật Bản quốc hữu hóa Senkaku.
Thực tế từ sau thế chiến thứ 2 đến nay, Nhật Bản không những “vô hại” với Trung Quốc mà còn là một nguyên nhân tích cực cho nền kinh tế Trung Quốc trỗi dậy như bây giờ.
Nhật Bản chỉ biết và quen ăn ngon ngủ yên bởi dựa vào hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật và chỉ chuyên tâm phát triển kinh tế, đầu tư vào Trung Quốc để thu lợi nhuận, quên mất rằng, Trung Quốc không bao giờ quên mối nhục thế kỷ trước với Nhật Bản.
Xa rời Mỹ, gần với Trung Quốc là chiều hướng, chủ trương của đảng Dân chủ cầm quyền Nhật Bản DPJ. Cho nên, khi gặp phải một Trung Quốc “không coi trọng tình nghĩa làm ăn với nhau”, xử “rắn” và quyết liệt thì chính phủ đương nhiệm đứng đầu là ông Thủ tướng Yoshihiko Noda đã phải thốt lên “không ngờ Trung Quốc phản ứng mạnh như vậy”, và, đương nhiên, chả có gì là bất ngờ khi phải nhường quyền lãnh đạo đất nước cho đảng Dân chủ Tự do của ông Shinzo Abe.
Từ đây bắt đầu giai đoạn tranh chấp tiếp theo: Nếu như Nhật Bản tỏ ra “rắn” và quyết liệt bao nhiêu thì Trung Quốc tỏ ra “lỳ” và cương quyết bấy nhiêu.
Rõ ràng là Nhật Bản không phải là Philipines hay Campuchia…ít ra thì cũng là trung tâm kinh tế thứ 3 của thế giới, nên tranh chấp Senkaku của Nhật Bản mà Trung quốc gọi là Điếu Ngư thì tình hình tranh chấp lại có tính đối đầu rất cao.
Nhật Bản quyết liệt, “không ngại va chạm” điều cả máy bay chiến đấu để xử lý, trong khi Trung Quốc cũng cương quyết, không nhụt chí, dùng tàu Hải giám, máy bay dân sự xâm nhập vào hải phận và không phận Senkaku/Điếu Ngư lần này đến lần khác.
Senkaku/Điếu Ngư không chỉ đơn thuần là chủ quyền, là nơi chứa đựng tài nguyên hay là một nơi có vị trí quân sự cực kỳ quan trọng mà đây là nơi đụng độ các ý đồ chiến lược lớn của nhau, Trung-Nhật-Mỹ.
Giai đoạn đầu của cuộc tranh chấp, Trung Quốc đã thu được kết quả, cho thấy Nhật Bản đã yếu kém, Mỹ tuyên bố xoay trục sang châu Á-TBD là chỉ “bằng miệng” bởi thiếu USD và không có khả năng can thiệp… cho nên biển Đông, Hoa Đông trở thành “cái ao của Bắc Kinh” chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng giai đoạn sau khi ông Shinzo Abe làm thủ tướng thì những vấn đề gì Trung Quốc đã rút ra từ giai đoạn đầu đã hoàn toàn ngược lại.
Có thể nói, Trung Quốc như “đã bắn vào Senkaku/Điếu Ngư một viên đạn thì nhận lại được một quả đại bác”.
Nhật Bản hoàn toàn thay đổi. Đến lúc này các quốc gia trong khu vực đã khẳng định chắc chắn: Nhật Bản đã, đang tái vũ trang. Trong khi đó Mỹ hoàn toàn ủng hộ và không còn lập lờ như trước, Mỹ đứng hẳn về phía Nhật Bản.
Một loạt các hành động đối ngoại như quan hệ với Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước ĐNÁ… trên cơ sở lấy Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ là nền tảng đã chứng minh Nhật Bản xác định đối tượng tác chiến trực tiếp của họ là Trung Quốc.
Hơn ai hết, Trung Quốc đã nhận biết sự nguy hiểm khi Nhật Bản tái vũ trang. Các ông tướng “diều hâu nhưng tỉnh táo” của Trung Quốc cảm thấy đầu tiên, họ la làng đòi “không được xóa bỏ điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản”, đòi phải “bóp chết tiềm năng hạt nhân Nhật từ trong trứng”, hô hào chuẩn bị chiến tranh và tâm lý chiến tranh cho nhân dân. Đặc biệt, đe dọa sử dụng tên lửa chiến lược, nói gần nói xa vũ khí hạt nhân…mà Nhật Bản chưa có.
Sử dụng VKHN với Nhật Bản là điều không xảy ra vì Trung Quốc sẽ hoàn toàn bị hủy diệt bởi đòn giáng trả khủng khiếp của Mỹ, Nga, Ấn Độ bởi họ không muốn tồn tại một kẻ tâm thần, điên loạn.
Nhưng sử dụng tên lửa đạn đạo tấn công là điều có thể, vì Trung Quốc có lợi thế. Tuy nhiên, khi Nhật Bản có tên lửa đẩy vệ tinh thì chẳng khó khăn gì mà không chế tạo được thứ tên lửa như của Trung Quốc. Vấn đề là không ai biết trong một nền công nghiệp hiện đại với những ngành công nghệ cao như Nhật Bản “cần là có, tìm là thấy” thì họ sẽ có bao nhiêu tên lửa tầm xa?.
Hơn nữa, Nhật Bản và Mỹ đã có một hệ thống đánh chặn đã hoàn chỉnh qua các lần Triều Tiên thử tên lửa, trong khi Trung Quốc chưa có. Trung Quốc chỉ biết “tấn” nhưng chưa biết “thủ”, cho nên, tên lửa Trung Quốc không thể hoặc bị hạn chế bay vào những nơi mình muốn, trong khi tên lửa Nhật Bản thì ngược lại. Vì vậy, khi chưa có hệ thống phòng thủ tên lửa thì Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn Nhật Bản.
Rốt cuộc dư luận dễ thấy là Trung Quốc đe dọa Nhật Bản điều gì là do họ sợ điều ấy từ Nhật Bản.
Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư diễn ra ai sẽ được lợi thì không rõ, nhưng dư luận đã chứng kiến một nước Nhật từ đó thay đổi cả thế và lực. Còn với Trung Quốc thì Senkaku/Điếu Ngư có vẻ như là một nước cờ sai và có thể nói đã quá muộn để dừng lại hay thay đổi.
Thay vì để cho Nhật Bản ăn no, ngủ kỹ, quên hết các “kỹ năng” rồi bất ngờ ra tay thì Trung Quốc đã bộc lộ ý đồ và lực lượng quá sớm, khiến Nhật Bản cảnh giác, “mài kiếm” đối đầu.
Senkaku như một “cây Nhật Bản”, Trung Quốc muốn rung, lắc để kiểm tra độ bền vững đồng thời “nhát khỉ”. Trung Quốc thừa hiểu càng lên cao để rung thì gốc càng lay và cây lắc càng mạnh, càng nhát được khỉ nhưng độ nguy hiểm rất lớn. Nếu cây đổ thì tính mạng mình cũng không còn.
Đó cũng là nguyên nhân căn bản để không có một cuộc “chiến tranh nóng” gây thảm họa cho cả hai, Trung-Nhật.
Khi ý đồ với nhau đã lộ rõ, khi lực lượng sử dụng đã bộc lộ, khi không ai chắc sẽ thắng trong cuộc chiến tranh nóng thì tất yếu một cuộc “chiến tranh lạnh” phiên bản 2 giữa Trung Quốc-Nhật Bản bắt đầu.
Nếu như phiên bản 1 giữa Liên Xô và khối Vacxava với Mỹ và khối NATO thì phiên bản 2 này Trung Quốc chỉ có một mình, trong khi Nhật Bản có Mỹ và NATO tiếp sức. Trung Quốc, đất nước vĩ đại với hơn 1 tỷ người, lại là chủ nợ của Mỹ chứ không phải là Liên Xô. Ai thắng ai?.
Theo Lê Ngọc Thống
Báo Đất Việt