Theo nguồn tin này, cuộc họp của các bộ trưởng về TPP diễn ra gần như xuyên đêm ngày 10/11. Kết thúc cuộc họp, các bộ trưởng các nước đã thông qua tuyên bố chung của bộ trưởng TPP 11 (TPP không có Mỹ). Tuyên bố này xác nhận đã đạt được đồng thuận cho những nền tảng trọng tâm nhất của hiệp định TPP.
Được biết các trưởng đoàn đàm phán sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc để thống nhất 4 điểm còn lại trong đàm phán trước khi tiến tới ký kết chính thức hiệp định TPP.
Thời hạn cho các cuộc đàm phán liên quan đến 4 điểm còn lại của TPP 11 hiện vẫn chưa được xác định. “Các cuộc đàm phán TPP kéo dài và không hề dễ dàng do liên quan đến những quyền lợi của mỗi quốc gia”, một quan chức có liên quan cho hay và xác nhận các cuộc đàm phán TPP diễn ra với những nội dung trao đổi rất căng. Vị này cũng từ chối bình luận thêm về những nội dung còn vướng mắc của TPP 11.
Những thông tin liên quan đến TPP khiến giới báo chí, các doanh nghiệp Việt Nam và các nước đặc biệt quan tâm những ngày gần đây khi Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm 9/11 nói rằng, 11 quốc gia thành viên TPP đã đạt được đồng thuận về nguyên tắc. Tuy nhiên, ngay sau khi bình luận này được đăng tải trên báo chí Nhật Bản, giới chức Canada đã phủ nhận. “Dù có những bài báo như vậy, nhưng chưa có đồng thuận này về nguyên tắc”, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Francois-Philippe Champagne viết trên Twitter.
Trước đó, ngày 8/11, trong cuộc họp báo tại Hà Nội cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói Canada sẽ chỉ tham gia TPP nếu hiệp định này phù hợp với các lợi ích và tiêu chuẩn của Canada.
Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh APEC tại Đà Nẵng ngày 10/11, Tổng thống Mỹ Donal Trump cũng khẳng định, Mỹ muốn có quan hệ thương mại với tất cả các nước khác trên cơ sở bình đẳng và công bằng.
“Mỹ sẽ không tham gia vào các hiệp định thương mại lớn mà ở đó các quy định sẽ bó buộc chân tay chúng tôi. Tôi hy vọng các bạn sẽ làm như vậy. Chúng ta cũng sẽ cùng phồn thịnh và tăng trưởng cùng nhau trong khu vực này. Để giấc mơ phồn thịnh thực hiện được, chúng ta sẽ cùng nhau làm điều này”, ông Trump nhấn mạnh và khẳng định Mỹ sẽ thúc đẩy thương mại thông qua các hiệp định song phương.
Thông tin đàm phán TPP gặp khó khăn được đưa ra sáng 10/11 khi Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tiết lộ cuộc họp của 11 thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP 11) bên lề Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng đã không thể diễn ra như dự kiến do sự vắng mặt của Canada.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, nói rằng, kết quả khảo sát vừa được PwC công bố cho thấy các tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp khu vực APEC đều rất lạc quan về triển vọng kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Cần lưu ý, kết quả khảo sát này được thực hiện sau khi Mỹ đã tuyên bố rút khỏi TPP. Như vậy có thể thấy, với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, TPP không có Mỹ không có nghĩa các DN không xuất khẩu vào Mỹ nữa.
“Việc xuất khẩu vẫn tiếp tục, có thể có gặp khó khăn hơn. Cũng cần nhớ là ngoài Mỹ, Việt Nam vẫn có những thị trường xuất khẩu khác. Việc TPP không có Mỹ, các DN Việt Nam sẽ phải tự thay đổi bằng cách liên kết với các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Như vậy hàng hóa vẫn có thể vào Mỹ”, bà Vân nói và cho rằng, DN cần phải năng động thay đổi chiến lược kinh doanh, hoạt động của mình theo diễn biến của thị trường.
Theo thông tin của Tiền Phong, khoảng 11h hôm nay, ngày 11/11, sẽ diễn ra cuộc họp báo của đồng chủ trì Nhật Bản – Việt Nam với một số nội dung liên quan đến kết quả cuộc đàm phán TPP 11.