Rác thải nhựa nếu không được quản lý hiệu quả sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra, TP.HCM đã đưa ra kế hoạch để giảm rác thải nhựa, trong đó nhiều đơn vị đã đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả kế hoạch mà TP đề ra.
100% hệ thống siêu thị sử dụng bao bì thân thiện
Theo Sở TN&MT TP.HCM, trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030, TP đã đề ra chỉ tiêu 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại... sử dụng bao bì thân thiện với môi trường thay thế túi nylon khó phân hủy. Bên cạnh đó, các tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi nylon khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng. Phấn đấu đến năm 2030 TP hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Ngoài ra, TP cũng dự kiến hoàn thành chỉ tiêu thu gom tái sử dụng, tái chế, xử lý 65% lượng chất thải nhựa phát sinh ở TP.HCM.
Để đạt được những mục tiêu đặt ra, thời gian qua các sở, ngành, đoàn thể... đã tích cực tham gia thực hiện. Cụ thể, Sở Công Thương TP.HCM đưa ra mục tiêu hết năm 2023, giảm sử dụng 65% sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học của các tiểu thương tại chợ truyền thống.
Theo đó, Sở Công Thương đề nghị ban quản lý các chợ, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi xây dựng, triển khai kế hoạch và cam kết có lộ trình cắt giảm việc sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Siêu thị sử dụng túi thân thiện với môi trường. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Ngoài ra, Sở Công Thương còn yêu cầu hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại... thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi như giảm giá, tích điểm và các hình thức khác phù hợp với đơn vị. Qua đó, khuyến khích khách hàng mang túi, bao gói và sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường khi tham gia mua sắm. Siêu thị cũng hạn chế hoặc không phát miễn phí túi nylon khó phân hủy cho người tiêu dùng.
Từ đó, hướng đến việc tính phí túi đựng hàng hóa khi người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, các đơn vị nêu trên phải nghiên cứu bố trí các điểm thu hồi túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần đã qua sử dụng tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
Giảm nhựa sử dụng một lần ở các điểm du lịch
Để thực hiện hiệu quả việc giảm sử dụng nhựa dùng một lần, bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Cần Giờ, cho biết thời gian qua, huyện đã bố trí hai điểm kiểm soát túi nylon tại hai đầu bến đò thuộc xã Thạnh An. Cụ thể, huyện đã hỗ trợ 1.000 ly giấy và 500 túi thân thiện môi trường để đổi túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần cho khách du lịch đến tham quan xã đảo Thạnh An.
“Để nhân rộng mô hình giảm sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trên địa bàn, huyện Cần Giờ đã tổ chức lễ phát động chương trình này tại điểm du lịch sinh thái Dần Xây. Điều này góp phần tuyên truyền và nâng cao nhận thức của khách du lịch trong việc hạn chế sử dụng túi nylon khó phân hủy” - bà Cẩm nói.
Một trong những giải pháp mà Trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM đưa ra cho TP.HCM là TP có thể bắt đầu với khuyến nghị hạn chế những vật dụng nhựa sử dụng một lần trong các cơ sở kinh doanh thực phẩm và sản phẩm vệ sinh khách sạn. Ngoài ra, đơn vị này cũng đề xuất áp đặt lệ phí cho túi nhựa không phân hủy và ly cà phê mang đi. Lộ trình dần dần hướng đến lệnh cấm thị trường đối với ống hút nhựa, túi nhựa không phân hủy và hộp đựng thức ăn bằng nhựa dùng một lần.•
Tăng cường sử dụng sản phẩm tái chế
Ngày 30-8, UBND TP.HCM đã tổ chức giám sát kết quả thực hiện Chỉ thị 19/2018 của Thành ủy TP.HCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”.
Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị... tổ chức tuyên truyền, vận động đến tất cả người dân, hộ gia đình, tiểu thương tại các chợ dân sinh, chủ nguồn thải giảm sử dụng nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy. Đồng thời tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần đến toàn dân.