Ngày 3/10, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tuần qua trên địa bàn ghi nhận 370 trường hợp mắc bệnh SXH tăng 19,8% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca SXH tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 39 là 7.739 ca. Các điểm nóng của bệnh SXH đang tập trung tại quận 1, thành phố Thủ Đức và quận 7.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM, tại đây đang tiếp nhận, điều trị gần 30 trường hợp mắc SXH, khoảng 10% bệnh nhân trong tình trạng nặng. Đáng lưu ý, số ca nhập viện hầu hết là bệnh nhân ở các tỉnh chuyển đến, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông.
TS.BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực Chống độc Trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM cho biết, tại khoa có 2 trường hợp nặng, bệnh nhi bị sốc SXH (sốt cao, nôn ói, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng phổi, màng bụng, suy hô hấp…) phải theo dõi, điều trị tích cực. Theo BS Quí, so với cùng kỳ các năm trước, bệnh SXH năm nay có xu hướng giảm. Tuy nhiên, cộng đồng cần cảnh giác trước các nguy cơ nhiễm bệnh và diễn tiến nặng.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 mỗi ngày cũng đang điều trị nội trú cho khoảng 20 đến 30 trường hợp mắc bệnh trong đó có nhiều bệnh nhân bị sốc SXH. Thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy, trong tháng 9 bệnh viện đã tiếp nhận 130 trẻ mắc SXH nhập viện, trong đó có 8 trường hợp nặng với diễn tiến sốc SXH một số trẻ phải hỗ trợ thở máy. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, số ca sốc SXH trong tuần qua ghi nhận 4 trường hợp.
TS.BS Quí cho biết, SXH hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vắc xin phòng ngừa. Các biến chứng thường gặp bao gồm sốc SXH nặng, suy đa cơ quan, sốc do giảm thể tích tuần hoàn và thoát huyết tương, xảy ra ở cả trẻ em lẫn người lớn. Do đó, khi bệnh nhân có biểu hiện đau bụng, ói nhiều, lừ đừ, tay chân lạnh, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, thở nhanh, li bì… cần được nhập viện điều trị để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Theo BS Lê Hồng Nga, phó Giám đốc HCDC, hiện nay SXH đã trở thành bệnh lưu hành hàng năm, bệnh thường tăng cao vào giai đoạn mùa mưa nên cộng đồng cần nâng cao ý thức phòng chống. Để ngăn chặn muỗi truyền bệnh SXH, người dân cần chủ động lật úp các vật dụng có khả năng chứa nước không sử dụng tới; đậy kín lu khạp chứa nước; thả cá 7 màu vào các vật dụng chứa nước để diệt lăng quăng; sử dụng cửa lưới chống muỗi, diệt muỗi, ngủ mùng, mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt.