Ngày 27/4, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, đã có văn bản yêu cầu hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản (BĐS) cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng... trên địa bàn TPHCM. Theo đó, Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM triển khai ý kiến của Thủ tướng về phát triển thị trường bất động sản thành phố ổn định, lành mạnh.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM yêu cầu các tổ chức tín dụng quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài. Đồng thời thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân. Hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.
Hiện nay, tín dụng bất động sản chiếm khoảng 18-20% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương 2 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng cho vay với lĩnh vực này cũng dần hạ nhiệt, từ mức trên 26% năm 2018, giảm còn 12% năm 2021.
Trước đó, vào ngày 12/4, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất và báo cáo lại khi phát hiện sai phạm. Các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo đó, Sacombank sẽ tập trung cấp tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistic…
Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, Sacombank sẽ không cấp tín dụng cho khách hàng mới kể từ ngày 23/3 đến hết ngày 30/6/2022. Đáng chú ý, qui định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở.
Lý giải về quyết định này, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm,Tổng giám đốc Sacombank cho biết, mỗi ngân hàng có một chiến lược cho vay riêng. Hiện tại, tỷ lệ tăng trưởng cho vay bất động sản đối với khách hàng cá nhân tại Sacombank cũng nhiều rồi nên trong giai đoạn này, ngân hàng không muốn cho vay bất động sản nữa mà tập trung cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đối với các hợp đồng tín dụng mà ngân hàng đã phê duyệt thì Sacombank vẫn thực hiện giải ngân như bình thường.
Mặt khác, hạn mức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước giao cho các ngân hàng mới chỉ là tạm giao. Trong khi đó, mới gần kết thúc quý 1/2022 mà tín dụng đã tăng gần bằng room tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, do đó việc kiểm soát chặt tín dụng là điều cần thiết.
Không chỉ Sacombank, Techcombank cũng có thông báo từ bộ phận Phát triển giải pháp cho vay thế chấp với các đơn vị kinh doanh của ngân hàng này về việc kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản.
Trong thông báo của Techcombank cũng nêu rõ: “Tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3/2022”.
Theo báo cáo của SSI Research, hạn mức tín dụng ban đầu được cấp cho năm 2022 dao động trong khoảng 7-15% và cao hơn hạn mức năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng. Do đó, các chuyên gia kinh tế tại SSI Research cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2022 của các ngân hàng sẽ duy trì ở mức tương đối cao. Hầu hết các ngân hàng đều dự kiến tăng vốn điều lệ từ 15-35% trong năm 2022 được thực hiện thông qua hình thức chia cổ tức, chia thưởng bằng cổ phiếu.