Đó là nội dung được PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết tại phiên họp về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và định hướng 6 tháng cuối năm do UBND TPHCM tổ chức ngày 29/6.
Cụ thể, PGS.TS Chí Thượng cho biết, đến nay tỷ lệ người tiêm vắc xin mũi 3 ngừa COVID-19 trên địa bàn thành phố đã tương đối khả quan nhưng số lượng người tiêm mũi 4 còn rất ít.
Trước nguy cơ biến chủng BA.5 của dịch COVID-19 xuất hiện với tốc độ lây nhiễm cao, Sở Y tế TPHCM dự báo các quận gồm Bình Tân, Bình Chánh, Bình Thạnh, quận 12, Tân Phú, Nhà Bè, Gò Vấp, thành phố Thủ Đức, quận 6 là những địa phương đang nằm trong vùng cảnh báo về nguy cơ gia tăng số ca mắc nếu BA.5 xuất hiện tại TPHCM.
Nguyên nhân của nhận định này được Giám đốc Sở Y tế cho biết là do các quận trên có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 mũi 1 và mũi 2 rất thấp so với các quận huyện còn lại.
Trước tình hình trên, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết đã sẵn sàng phương án kích hoạt lại hệ thống thu dung, điều trị COVID-19 nếu chủng BA.5 hoành hành tại TPHCM. Ngành y tế đã yêu cầu các quận huyện gồm Bình Tân, Bình Chánh, Bình Thạnh, quận 12, Tân Phú, Nhà Bè, Gò Vấp, quận 4, Thủ Đức, quận 6 chuẩn bị kích hoạt lại hệ thống thu dung, điều trị của quận.
Bên cạnh giải pháp chủ động điều trị, Sở Y tế TPHCM đề nghị các địa phương tiếp tục vận động người dân tích cực tiêm ngừa mũi 3 và mũi 4, thực hiện các phương án bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Ngoài ra, Sở Y tế cũng kiến nghị UBND TPHCM có bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả trong công tác phòng chống dịch của từng địa phương xem đây là căn cứ để xét duyệt thi đua.
Bên cạnh dịch COVID-19, người đứng đầu Sở Y tế TPHCM cho biết dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn thành phố. “Chúng tôi rất lo ngại vì năm nay, dịch SXH đang bùng phát dữ dội, số ca mắc và tử vong tại khu vực phía Nam liên tục tăng cao.
"Nếu so với năm có số ca mắc cao nhất trong thời gian gần đây (năm 2019) thì số ca bệnh đã tăng cao hơn, thời gian gia tăng của bệnh diễn ra ngay từ khi mới bắt đầu mùa mưa. Dự báo, năm 2022, SXH sẽ bùng phát rất mạnh, số ca mắc tăng cao, tử vong tăng cao nếu cộng đồng không chủ động các biện pháp phòng chống dịch SXH” – PGS Chí Thương nói.
Trước tình hình trên, ngành y tế TPHCM đã xây dựng các kịch bản thu dung, điều trị bệnh nhân SXH nếu ca bệnh tiếp tục tăng. Sở Y tế đã chủ động tập huấn chuyên môn cho tất cả các đơn vị trên địa bàn. Thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch đến nay đã được đảm bảo tốt.
“Chúng tôi kêu gọi các quận huyện tiếp tục ứng dụng, đưa các bài học từ công tác phòng chống dịch COVID-19 chuyển sang phòng chống dịch SXH, tập trung diệt muỗi, diệt lăng quăng, huy động toàn dân đặc biệt là địa bàn phường xã tham gia vào công tác phòng chống SXH” – PGS Tăng Chí Thượng nói.