> Hơn một nửa cử tri Mỹ tin ông Obama chiến thắng
Trong buổi trò chuyện với phóng viên Tiền Phong cùng một số nhà báo đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, ông Seth C.McKee, giáo sư chính trị danh tiếng thuộc Khoa Lịch sử và chính trị ĐH Nam Florida St. Petersburg, nói rằng, cuộc đua vào Nhà Trắng giữa đương kim Tổng thống Barack Obama và đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney càng gần ngày bầu cử càng sít sao.
Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến cử tri tại 9 bang còn dao động được công bố cho thấy rõ điều này.
Tuy nhiên, GS McKee bày tỏ niềm tin mãnh liệt rằng, Tổng thống Obama sẽ giành chiến thắng chung cuộc.
Theo GS McKee, dường như vấn đề lớn nhất của cuộc bầu cử năm nay đều tập trung vào kinh tế, an ninh quốc gia…
Theo ông McKee, trong nhiệm kỳ 4 năm qua của Tổng thống Obama, an toàn của công dân Mỹ được đảm bảo hơn, kinh tế từng bước hồi phục và sự kiện tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden cũng để lại dấu ấn.
Về phía đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc bang Florida tại cuộc vận động tranh cử vừa diễn ra ở thành phố Tampa mà phóng viên Tiền Phong trực tiếp tham dự, đã gọi ông Romney là “tân tổng thống” với sự hưởng ứng nhiệt tình của gần 2.000 cử tri. Tổng chưởng lý của bang Florida Pam Bondi cũng khẳng định ông Romney sẽ vượt qua ông Obama và chỉ ít ngày nữa khắp nơi sẽ trần ngập dòng chữ: Romney chiến thắng!
Về việc nhiều cử tri chỉ trích Tổng thống Obama hứa “thay đổi”, nhưng đến nay chưa nhìn thấy kết quả, GS McKee lập luận rằng, trong lịch sử, ở nhiệm kỳ đầu tiên, vị chủ nhân của Nhà Trắng mới trong giai đoạn gây dựng, chuẩn bị mọi thứ.
“Dù chưa đạt được thành quả như cam kết với cử tri cách đây 4 năm, nhưng Tổng thống Obama đã không để xảy ra sự cố nào trong suốt nhiệm kỳ đầu của mình. Và vì thế, ông cần phải tái đắc cử nhiệm kỳ hai để hiện thực hóa những cam kết của mình với cử tri Mỹ”, ông McKee nói.
Chuyên gia chính trị ở Florida cũng nói thêm rằng, điều quan trọng là đối thủ Romney chưa thực sự đủ mạnh để gây ấn tượng và vượt lên hẳn trong cuộc đua với ông Obama.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong rằng liệu có tình huống bất ngờ, gây ngạc nhiên sẽ xảy ra trong những ngày cuối cùng trước bầu cử khiến dự đoán của ông bị đảo lộn hay không, GS McKee khẳng định điều này rất khó xảy ra.
“Nếu có tình huống bất ngờ trong những ngày cuối cùng khiến kết quả bầu cử có thể đảo lộn thì đó là bão Sandy. Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã ứng phó rất tốt”, GS McKee nói.
Tiền và truyền hình
Trò chuyện với các nhà báo đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam ngày 1 - 11, GS chính trị nổi tiếng khác của ĐH Nam Florida St. Petersburg, bà Susan MacManus, cho biết, tính đến hôm nay chỉ còn 7 bang cử tri đang dao động, trong đó Florida đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống bởi số phiếu đại cử tri đã được nâng lên thành 29.
Theo khảo sát, tại bang “chiến trường” Florida, ứng cử viên Obama và Romney đang bám đuổi nhau quyết liệt.
Theo bà Susan, ông Obama tiếp tục giành được cảm tình của người trẻ và điều này sẽ tạo ra lợi thế ở Florida.
GS Susan lấy ví dụ, trong việc giải quyết các khó khăn của nền kinh tế, có tới 58% người trẻ tin tưởng ông Obama, trong khi với ông Romney chỉ có 33%.
GS Susan cho rằng, với sự ra đời của “super-PAC” (các nhóm hoạt động độc lập của chiến dịch tranh cử, được phép chi tiền cho các quảng cáo ủng hộ ứng viên của họ), tài chính càng đóng vai trò quan trọng đối với ứng cử viên tổng thống.
Liên quan việc cử tri Mỹ tin vào đâu nhất để đưa ra quyết định bỏ phiếu chọn tổng thống, bà Susan cho rằng, trong các phương tiện truyền thông, truyền hình vẫn đóng vai trò số một; tiếp đến mới đến báo in, báo điện tử và đứng thứ ba là trang mạng xã hội.
Tuy nhiên, GS Susan cho biết một thực tế khác là chỉ có 26% cử tri tin vào thông tin trên báo chí, 48% tin vào bạn bè và người thân, số còn lại chưa chắc chắn.
Ông Justin Day, người phụ trách vận động quyên tiền cho ông Obama ở thành phố Tampa (Florida), cho biết các “super-PAC” được phép giữ bí mật về người góp tiền cũng như việc chi tiền như thế nào trong suốt chiến dịch tranh cử khiến cho cuộc đua vào Nhà Trắng càng hấp dẫn, vì ít người biết những gì đang diễn ra phía sau đó. Điều này đang khiến cử tri lo ngại sẽ xảy ra tiêu cực, đặc biệt là vấn nạn tham nhũng.
Theo ông Justin, chỉ sau khi chiến dịch tranh cử kết thúc, tân tổng thống mới phải công khai vấn đề quyên tiền và chi tiền như thế nào.
Với sự ra đời của “super-PAC”, năm nay, cả ông Obama và Romney đều từ chối tiền ngân sách của chính phủ để vận động tranh cử mà tự đi quyên tiền.
Tổng thống Obama đang dẫn trước ông Romney về số tiền quyên được. Số tiền hai ông chi cho chiến dịch tranh cử được dự đoán sẽ cao hơn mức 5,8 tỷ USD của năm 2008.
Người về hưu ủng hộ ông Obama
Trong nhóm cử tri cao tuổi, dường như sự ủng hộ đang hướng về ông Obama. Tại cuộc gặp với gần 10 lãnh đạo Hiệp hội Những người về hưu Mỹ tại Florida ngày 1- 11, hầu hết khẳng định với các nhà báo đến từ các nước châu Á rằng sẽ bỏ phiếu cho ông Obama.
Ông Tony Kiwak, Giám đốc tư pháp của Hiệp hội, bày tỏ tin tưởng rằng, hầu hết người về hưu ở Mỹ sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Obama bởi ông ủng hộ vấn đề sống còn của họ là duy trì các dịch vụ khám để phát hiện, ngăn ngừa bệnh tật miễn phí, trong khi ông Romney phản đối.
Trong vấn đề quan trọng thứ hai với người về hưu ở Mỹ, việc ông Romney ủng hộ tăng tuổi về hưu lên 70 cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của cử tri cao tuổi.
“Nhiều người sẽ không sống được đến 70 tuổi để hưởng lương hưu nên Tổng thống Obama phản đối kế hoạch này đã giành được cảm tình của cử tri cao tuổi”, ông Tony khẳng định.
Trí Đường
Từ Florida - Mỹ